Xuất khẩu cà phê Việt Nam có cơ hội duy trì mức 4 tỷ USD

Sau năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu cà phê vượt 4 tỷ USD, 2023 nước ta đang đứng trước cơ hội có thể duy trì kỷ lục trên trong bối cảnh giá cà phê giao dịch trên Sở ICE chạm mức cao nhất trong 12 năm.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê Robusta giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE EU) tính đến 24/4/2023 đạt mức 2.564 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 5/2011 và đã tăng gần 40% kể từ hồi đầu năm 2023 khi giao dịch tại mức 1.869 USD/tấn.

Mức giá cà phê kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt

Bắt đầu năm 2023, thị trường liên tục xuất hiện những thông tin cho thấy nguồn cung có xu hướng thu hẹp tại các quốc gia sản xuất chính.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/4/2023 ở mức 634.032 tấn, thấp hơn so với mức 662.816 tấn của cùng kỳ năm trước. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá cà phê toàn cầu ở mức cao đã góp phần đẩy giá cà phê Việt Nam tăng lên mức 52.000 VNĐ/kg, mức cao lịch sử, thống kê từ giacaphe.com.

Bên cạnh đó, sản lượng cà phê tại Indonesia, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ 3 thế giới, dự báo ở mức 9 triệu tấn, thấp nhất trong 10 năm, theo Volcafe. Thêm vào đó, sản lượng Robusta tại Brazil ở mức 17,51 triệu bao, giảm gần 4% so với niên vụ 2022/23, dự báo từ Cơ quan Cung ứng mùa vụ của Chính phủ Brazil (CONAB).

Như vậy, nguồn cung không chỉ thiếu hụt trong ngắn hạn mà còn thu hẹp trong trung và dài hạn, từ đó kéo giá cà phê tăng mạnh.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam nhận định: “Sau khi xuất khẩu kỷ lục vào năm 2022, tồn kho cà phê Việt Nam dần thu hẹp. Cùng với đó, sản lượng cà phê năm 2022 ước tính giảm mạnh 10-15% so với dự báo ban đầu do mưa lớn xảy ra đúng giai đoạn thu hoạch, đã khiến nguồn cung thắt chặt và chu kỳ tăng giá là điều tất yếu”.

 “Thiên thời” đối với xuất khẩu cà phê Việt Nam

Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.

Bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 tiếp tục ảm đạm với mức dự báo 2,8%, giảm 1 điểm phần trăm so với mức 2,9% được đưa ra hồi tháng 1, Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo mới nhất. Đặc biệt, hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều được dự đoán mức tăng trưởng khá khiêm tốn, lần lượt dưới 1% và 2%.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người dân thường có nhu cầu hạn chế chi tiêu đối với các loại hàng hóa không thiết yếu như cà phê. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất cà phê hòa tan cũng gia tăng lỷ lệ Robusta pha trộn với Arabica để giảm giá thành sản phẩm do giá Arabica đang giao dịch trên Sở ICE dao động trên 4.300 USD/tấn, cao gần gấp 2 lần giá Robusta. Điều này khiến nhu cầu Robusta trên thế giới thậm chí cao so với những giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt.

“Nguồn cung thu hẹp từ phía đối thủ cạnh tranh kết hợp nhu cầu không bị cắt giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn là điều kiện lý tưởng để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Đây sẽ là tiền đề để nước ta hướng tới mục tiêu kép của ngành cà phê với kim ngạch xuất khẩu duy trì trên 4 tỷ USD, cũng như khẳng định vị thế của nước cung ứng Robusta lớn nhất thế giới”, ông Quang Anh cho biết.

Tuy vậy, cũng không thể phớt lờ khó khăn Việt Nam đang phải đối diện, chính là tình hình dư lượng xuất khẩu thấp khi tồn kho của nông dân cạn kiệt, kéo theo lũy kế xuất khẩu từ đầu năm 2023 đến ngày 15/4/2023 của nước ta giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.  Tuy vậy, đây chưa phải cản trở lớn trong việc duy trì kim ngạch trên 4 tỷ USD, nhờ giá cà phê duy trì ở mức cao và kim ngạch xuất khẩu trong năm nay đang bám sát mức cùng kỳ năm trước.

Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững

Trong ngắn hạn, việc gia tăng xuất khẩu cà phê khi giá đang ở mức cao là giải pháp tối ưu giúp Việt Nam tiếp tục có được kim ngạch trên 4 tỷ USD. Tuy nhiên, về lâu dài chúng ta cần hướng tới các biện pháp mang tính bền vững hơn.

Nguồn cung cà phê tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch sầu riêng và chanh leo của Việt Nam.

Số đơn đặt hàng lớn trong khi nguồn cung đủ điều kiện xuất khẩu còn thấp đã đẩy giá mặt hàng này tăng đột biến. Nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng đẩy mạnh diện tích canh tác sầu riêng, thậm chí là phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang loại cây trồng đang phát triển “nóng” nói trên.

Hơn thế, tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó, định hướng phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt “Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu đến năm 2025 diện tích cà phê đặc sản của nước ta là 2% tổng diện tích, tương đương sản lượng ở mức 5.000 tấn và sẽ tăng lên tương ứng 3% và 11.000 tấn trong năm 2030.

Như vậy, xuất khẩu cà phê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ việc giá giao dịch và nội địa duy trì ở mức cao kỷ lục để hướng tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm 2023 ở mức 4 tỷ USD. Đồng thời, chúng ta cần có những nhìn nhận lâu dài hơn vì sự phát triển bền vững của ngành.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/