Xuất khẩu tổ yến chờ ngày chinh phụ thị trường hàng tỷ USD

Tổ yến Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn đang cần hoàn thiện các thủ tục để có thể xuất khẩu chính thức.

Tại Hội nghị “Đánh giá tình hình chăn nuôi chim yến và xây dựng dữ liệu nhà nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu”, diễn ra ngày 16/2, ông Trần Phương Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Tổ yến Việt Nam, tổng doanh thu tổ yến trên thế giới trong năm 2022 đạt trên 10 tỷ USD.

Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm trên 80% (trên 8 tỷ USD). Ngoài Trung Quốc, tổ yến còn được tiêu thụ nhiều ở Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand… là những nơi có nhiều người Hoa sinh sống. Hiện nay, ở thị trường Trung Quốc, 2 nguồn cung cấp tổ yến chính ngạch chủ yếu là Indonesia và Malaysia.

Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, gồm 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia. Tổ yến Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng là qua đường tiểu ngạch và chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường này.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới. Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, ngày 9/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho ngành yến Việt Nam.

Tuy nhiên, trong Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc, yêu cầu sản phẩm tổ yến xuất khẩu phải có sự giám sát theo chuỗi sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc từ gây nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói, ghi nhãn đến sản phẩm cuối cùng, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Do đó, để xuất khẩu được tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, cần phải hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu, mà trước hết là cấp mã số cho nhà nuôi chim yến.

Hiện, Cục Chăn nuôi đang khẩn trương lấy ý kiến các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia… để hoàn thiện và sớm ban hành hướng dẫn về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến.

Bên cạnh đó, để phát triển ngành yến có hiệu quả, có 3 điều kiện cần gồm: tổ chức lại hệ thống sản xuất và quản lý sản phẩm yến theo chuỗi giá trị; gắn mã định danh và thực hiện truy xuất nguồn gốc; đảm bảo về an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học đối với cơ sở nuôi yến và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến.

Đồng thời, có 3 điều kiện đủ gồm: Xây dựng và tiêu chuẩn hóa thương hiệu quốc gia về sản phẩm tổ yến; cam kết mạnh mẽ về hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tổ yến với người nuôi chim yến; sự ủng hộ vào cuộc giữa các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy thị trường xuất khẩu tổ yến chính ngạch.

Hiện, sản phẩm tổ yến của Việt Nam chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200 – 300 triệu USD/năm. Một con số còn khá khiêm tốn.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tổ yến đang tăng mạnh trên thế giới, mà Trung Quốc chính là thị trường tiêu thụ lớn nhất, TS Nguyễn Đức Trọng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kịp thời chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với FAO và các doanh nghiệp triển khai hướng dẫn cho các địa phương, thống nhất về quản lý ngành yến.

Các doanh nghiệp chế biến chủ động xây dựng phần mềm cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý sản phẩm theo chuỗi, từ nuôi, vệ sinh thú y, kiểm soát dịch bệnh, thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến, tiêu thụ. Phần mềm truy xuất nguồn gốc có thể tích hợp vào phần mềm về cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ cho quản lý ngành.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, đến năm 2022, cả nước đã có 23.665 nhà yến. Các địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Trong đó, tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang 2.995 nhà yến, tiếp đến là Bình Định 1.722 nhà yến.

Bốn vùng gồm: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có 100% số tỉnh có nghề nuôi yến. Nhiều nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long với 10.572 nhà yến, chiếm 44,67%. Tiếp đến là vùng Nam Trung bộ với 5.965 nhà yến, chiếm 25,21%. Vùng Đông Nam bộ với 4.958 nhà yến, chiếm 20,95%. Vùng Tây Nguyên với 1.969 nhà yến, chiếm 8,32%.

Nuôi chim yến đang có nhiều cơ hội phát triển khi chim yến đã chính thức được coi là động vật khác trong chăn nuôi, được hướng dẫn quản lý trong Luật Chăn nuôi và các văn bản dưới luật. Đồng thời, sản phẩm của yến được đưa vào định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Nguồn: https://kinhte.congthuong.vn/