Hải quan Lạng Sơn luôn đồng hành cùng DN thúc đẩy nông sản XK qua địa bàn

Đó là chia sẻ của đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài tại hội thảo “XNK nông sản qua biên giới trong bối cảnh mới: Thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu hải quan và Cục Hải quan Lạng Sơn (Tổng cục Hải quan) đồng chủ trì phối hợp với Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 12/5 tại TP Lạng Sơn.

Kết quả tích cực

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài, thời gian qua, hoạt động XNK qua các cửa khẩu tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành biên mậu của phía Trung Quốc. Trong đó, việc phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách quản lý biên mậu và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động XK hàng hóa qua địa bàn tỉnh, đặc biệt là các mặt hàng nông sản XK.

Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2023, phía Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, hoạt động XNK tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã sôi động trở lại, lượng hàng hóa có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt là các mặt hàng nông sản XK.

Trước tình hình đó, Cục Hải quan Lạng Sơn đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, triển khai vận hành thông suốt hệ thống thông quan điện tử gắn với việc thực hiện “Nền tảng cửa khẩu số”, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi tối đa cho DN, thương nhân XK nông sản qua địa bàn tỉnh, tổ chức phân luồng, phân tuyến khi có hiện tượng ùn tắc cục bộ tại cửa khẩu, giải phóng nhanh hàng hóa, giảm thiểu chi phí phát sinh cho DN, ông Nguyễn Anh Tài cho biết thêm.

Với những nỗ lực và triển khai các giải pháp tích cực đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thống kê cho thấy, năm 2022, các mặt hàng nông sản XK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn chủ yếu là thanh long, dưa hấu, vải, mít, xoài, chuối, sầu riêng, tinh bột sắn… Theo đó, lượng hàng nông sản XK qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đạt 1.796.522 tấn, với kim ngạch 1.105.683.484 USD.

Tính từ đầu năm 2023, khi phía Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, năng lực thông quan đã tăng lên đáng kể. Theo đó, tính đến hết ngày 30/4/2023, lượng hàng nông sản XK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 888.158 tấn với kim ngạch 592.655.111 USD, tăng 702,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động XNK, đặc biệt là XK nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn vẫn ghi nhận nhiều kết quả tương đối khả quan. Trong đó, ngay từ những ngày đầu năm 2023, phía Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát phòng chống dịch Covid-19, bình thường hóa các hoạt động XNK, XNC đã giúp năng lực thông quan hàng hóa tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Anh Tài, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn chỉ duy trì hoạt động thông quan hàng hoá tại 5 cửa khẩu, các cửa khẩu phụ, lối mở phía Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại. Mặt khác, hiện nay tại cửa khẩu Chi Ma, Cốc Nam phía Trung Quốc vẫn duy trì thực hiện kiểm soát theo hướng chỉ cho xe Trung Quốc sang Việt Nam giao nhận hàng hoá XNK. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến năng lực thông quan hàng hoá XNK qua địa bàn tỉnh, trong đó có mặt hàng nông sản XK.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 và 249 trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm XNK, thắt chặt quy trình quản lý an toàn thực phẩm đối với hàng NK vào thị trường Trung Quốc và tăng cường kiểm soát các DN sản xuất thực phẩm nước ngoài, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động XK mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt là các loại nông sản, trái cây chưa được ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật phải kiểm tra thực tế 100% lô hàng dẫn đến kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.

Ông Nguyễn Anh Tài nhấn mạnh, hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam XK với kim ngạch không đồng đều giữa các cửa khẩu, chủ yếu là XK qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (4 tháng năm 2023 là 46,16%) và Tân Thanh (4 tháng năm 2023 là 32,14%), các cửa khẩu khác chiếm số lượng ít, gây ảnh hưởng đến năng lực thông quan hàng hoá nông sản, trái cây xuất khẩu qua địa bàn tỉnh. Lượng hàng đăng ký XK tại các cửa khẩu không đồng đều đã dẫn đến nguy cơ xảy ra ùn tắc vào các thời gian cao điểm trong năm, đặc biệt là thời điểm chính vụ một số loại hoa quả như: vải thiều, thanh long, dưa hấu, xoài…

Ngoài ra, cơ sở vật chất, hạ tầng, kho bãi, địa điểm tập kết hàng hóa XNK tại các cửa khẩu chưa đáp ứng với nhu cầu XNK hàng hoá hiện nay cũng là các rào cản khiến hoạt động XK nông sản chưa thể bứt phá, đặc biệt là tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng, phần nào dẫn đến tình trạng ách tắc hàng hoá, phương tiện tiện chở hàng hoá XNK vào những thời gian cao điểm hoặc chính vụ các loại nông sản, trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Anh Tài phân tích, hiện Trung Quốc vẫn đang là thị trường lớn nhất và chủ yếu đối với hàng nông sản XK qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, do đó, việc phía Trung Quốc thường xuyên thay đổi chính sách quản lý, phương thức giao nhận hàng XK như thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực thông quan hàng hoá nông sản XK qua địa bàn tỉnh.

Mặt khác, vẫn còn có thương nhân XK nông sản qua địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục xuất khẩu theo hình thức truyền thống như: việc mua bán hàng hoá được thực hiện thông qua thoả thuận miệng, không ký kết hợp đồng, không liên hệ trước đầu mối giao nhận hàng phía Trung Quốc,… dẫn đến tình trạng hàng hoá đến cửa khẩu bị ách tắc do không có đầu mối liên hệ, hàng hoá bị trả lại phải tái nhập vào Việt Nam gây thiệt hại về chi phí, thời gian cho thương nhân.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/