Lạng Sơn: Nâng cao giá trị, mở rộng thị trường cho sản phẩm thạch đen
Năm 2021, vùng trồng cây thạch đen tỉnh Lạng Sơn được mở rộng lên 3.000 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn. Tổng lượng sản phẩm thạch đen xuất khẩu thô sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn tỉnh.
Thu về hàng triệu USD từ xuất khẩu
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, cây thạch đen là loại cây bản địa được trồng từ rất lâu đời ở tỉnh Lạng Sơn; trong đó, tập trung trên tại địa bàn huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích từ 2.000 – 3.000 ha. Cây thạch đen cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới đối với thạch đen huyện Tràng Định.
Đến nay, vùng trồng cây thạch đen tỉnh Lạng Sơn được mở rộng lên 3.000 ha, tăng 37% so với năm 2020, sản lượng đạt 16.000 tấn. Ngoài thị trường trong nước, thạch đen Lạng Sơn còn được xuất khẩu thô sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… chiếm khoảng 70% tổng sản lượng toàn tỉnh. Trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2021 đạt trên 1.200 tấn với tổng kim ngạch đạt khoảng 2 triệu USD (tăng gấp 3 lần so với năm 2020).
Hiện cây thạch đen của tỉnh đang được chế biến thành 3 dạng chính: Sơ chế thô, sản xuất bột thạch và chế biến sản phẩm thạch đóng hộp với 1 nhà máy chế biến sản phẩm tinh bột cùng 10 cơ sở chế biến thạch ăn liền đóng hộp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Lạng Sơn đã hình thành và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh cây thạch đen mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con nông dân biên giới tăng thu nhập, vươn lên làm giàu. Cây thạch đen đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục cây trồng chủ lực của tỉnh, chỉ đạo sản xuất thành hàng hóa vùng tập trung, tăng sản lượng cây trồng.
“Tỉnh Lạng Sơn xác định phát triển cây thạch đen sẽ là xu hướng ưu tiên trong chỉ đạo phát triển nông nghiệp thời gian tới” – đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, đồng thời cho biết, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cây thạch đen thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư. Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 10 nghìn ha/năm, sản lượng 60.000 tấn.
Hỗ trợ kết nối tiêu thụ, chế biến sâu
Tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021 diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho hay, tháng 12/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là cơ hội để mở rộng vùng sản xuất chuyên canh bởi Lạng Sơn là tỉnh có diện tích trồng thạch đen lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, việc phát triển cây thạch đen của Lạng Sơn đang gặp một số khó khăn trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm; việc thu hoạch, bảo quản còn thủ công, chưa ứng dụng nhiều máy móc để giảm công lao động; chưa có cơ sở sản xuất giống cây này…
Vì vậy, tỉnh Lạng Sơn mong muốn cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy chế biên tại chỗ, phát triển vùng nguyên liệu theo chuổi khép kín; hỗ trợ kết nối tiêu thụ cũng như chế biến sâu; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây thạch đen để nâng cao giá trị sản phẩm…“Tỉnh cam kết thực hiện nhất quán quan điểm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tố đa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn” – ông Hồ Tiến Thiệu khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, hội nghị là cơ hội lớn để xúc tiến, quảng bá, xuất khẩu sản phẩm của cây thạch đen trong thời gian tới. Các địa phương trồng thạch đen trong đó có tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục tổ chức sản xuất, trồng có hiệu quả; chú ý đến việc quy hoạch diên tích, tăng cường truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; khuyến khích phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thạch đen hàng hóa; đẩy mạnh nghiên cứu bảo quản thạch để kéo dài thời gian sử dụng nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm…
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, thị trường tiêu thụ của thạch đen đang được mở rộng cả trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, đối với thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đồng hành cùng tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động quảng bá, đa dạng các hình thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm thạch đen qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử.
Ông Điêu Vệ Hồng, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chia sẻ, Sở Thương mại Quảng Tây cam kết hợp tác, thúc đẩy thương mại của những nông sản Việt Nam như thạch đen của Lạng Sơn. Hiện Trung Quốc hiện bị thiếu hụt nguồn cung thạch đen, sản lượng chế biến không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
“Thạch đen Lạng Sơn là nguồn nguyên liệu chất lượng cao, có triển vọng thị trường tốt để chế biến nhiều sản phẩm chất lượng. Chúng tôi hứa xây dựng bộ quy chuẩn để hướng dẫn doanh nghiệp phía Việt Nam về thủ tục xuất khẩu, đồng thời mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho thạch đen được lưu thông suốt, trên cơ sở đảm bảo được kiểm dịch thực vật” – ông Điêu Vệ Hồng cho hay.
Nguồn: congthuong.vn