Ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến xuất khẩu: Xu hướng tất yếu

Ngày 11/11, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức Hội nghị quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu, kết hợp tổ chức giao thương trực tuyến trên nền tảng số, với sự tham gia của hơn 700 đại biểu.

Theo ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại (XTTM), nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang đẩy nhanh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Các nội dung, phương thức ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong XTTM không ngừng biến đổi và ngày càng đa dạng hơn. Thực tế, các hoạt động XTTM truyền thống hỗ trợ xúc tiến đầu ra cho sản phẩm như hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, hoạt động giao dịch thương mại ở nước ngoài… bị huỷ hoặc hoãn cả trong nước và trên hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn.

Trước tình hình này, Cục XTTM đã khẩn trương nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động XTTM phù hợp với thực tiễn thông qua phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động theo phương thức mới, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp. Lãnh đạo Cục XTTM cũng cho biết: Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Cục đã triển khai hàng loạt các sự kiện huấn luyện, đào tạo cho doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Lào Cai, Bình Định, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đồng Tháp,… đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ được thiết kế riêng cho chương trình để đưa sản phẩm xuất khẩu lên hệ thống thương mại điện tử quốc tế như Alibaba.com (trên 20 sự kiện), Amazon.com (6 sự kiện trực tuyến), tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã lên các sàn thương mại điện tử trong nước như Postmart, Voso, Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Foodmap.

Cục XTTM cũng phối hợp với các đối tác công nghệ trong và ngoài nước đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu bao gồm: Xây dựng Hệ sinh thái XTTM số (E-COBIZ), nền tảng ứng dụng (App) tích hợp các dịch vụ xúc tiến thương mại, các đối tác trong hệ sinh thái, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nền tảng hội chợ triển lãm trên môi trường số nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số. Nền tảng sẽ được cung cấp miễn phí cho các tổ chức/đơn vị tổ chức các hội chợ, triển lãm trực tuyến. Các ứng dụng số khác phục vụ XTTM như chắp mối kinh doanh trực tuyến, như tư vấn/đào tạo, truy xuất XTTM … sẽ được từng bước xây dựng và tích hợp vào hệ thống.

Với vai trò đại diện đơn vị hợp tác, đồng hành cùng Cục XTTM phát triển hệ sinh thái XTTM số, ông Bùi Cao Học- Giám đốc Công ty TNHH phần mềm quản lý khách hàng Việt Nam (Online CRM) bày tỏ: “Mục tiêu của OnlineCRM tham gia trong sự kiện lần này là nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt, các hiệp hội doanh nghiệp và các hợp tác xã… từng bước tiếp cận và ứng dụng thành công giải pháp CRM nói riêng và các giải pháp công nghệ khác nói chung vào hoạt động tiếp thị, sản xuất, kinh doanh của mình. Về lâu dài, OnlineCRM mong muốn cùng đồng hành với Cục XTTM để có thể tổ chức nhiều sự kiện tương tự nhằm mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều giải pháp công nghệ thiết thực và hữu ích hơn nữa.

Trên thực tế, dịch Covid-19 khiến hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi đáng kể, mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến. Đồng thời với đó thương mại điện tử trở nên rất cần thiết đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Bà Lý Kim Chi- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, cho hay: Doanh nghiệp đã nhìn thấy rõ lợi ích tất yếu liên quan đến vấn đề sống còn của doanh nghiệp đó chính là ưu tiên thay đổi phương thức tiếp thị, tương tác khách hàng và phân phối thông qua thương mại điện tử. Bản thân các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cũng đang tập trung phát triển các chiến lược toàn diện liên quan đến quản trị, chiến lược sản phẩm, ứng dụng công nghệ.

“Sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là chìa khoá thành công cho sự phát triển của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam. Chắc chắn sẽ là xu hướng bắt buộc mang tính liên tục và không thể đảo ngược do sự thay đổi liên tục của công nghệ, nhu cầu khách hàng và xu hướng thị trường”, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.

Nguồn: congthuong.vn