Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế: Bài học từ vụ việc 100 container hạt điều
Tháng 3 vừa qua, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã suýt mất trắng hàng chụccontainer hạt điều khi xuất khẩu sang Italia. Dù lô hàng đã được lấy lại sau rất nhiều nỗ lực của Bộ Công Thương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp, tuy nhiên, bài học từ vụ việc này là điều các doanh nghiệp phải lưu tâm.
Những sơ hở đáng tiếc
Thông tin đưa ra tại Hội thảo “Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế: Kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam từ vụ việc các container hạt điều” được tổ chức mới đây cho thấy, tháng 3/2022, 5 doanh nghiệp xuất khẩu điều của Việt Nam đã ký hợp đồng thông qua một công ty môi giới nhưng không nhận được tiền thanh toán. Họ bắt đầu phát hiện các container mất kiểm soát và nhận thấy nhiều dấu hiệu lừa đảo như: Gửi hồ sơ nhờ thu tiền từ ngân hàng Việt Nam đến ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ thì mã SWIFT (mã riêng của từng ngân hàng được sử dụng trong các giao dịch toàn cầu) bị thay đổi nhiều lần; doanh nghiệp Việt chưa nhận được tiền, còn người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc… Các container thì đang trên đường xuất sang Italy, có những container đã cập bến.
Nêu nguyên nhân về vụ việc này, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương – cho biết: “doanh nghiệp của chúng ta đã quá tin tưởng vào người môi giới. Hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản (thiếu nhiều điều khoản quan trọng) nhưng DN vẫn chấp nhận. DN đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác, một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới, đồng thời không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro”.
Cụ thể, Italia vốn là thị trường mua hạt điều rất ít, nay có hợp đồng lớn đột ngột, giao dịch trong thời gian ngắn, song doanh nghiệp không thấy đó là điều bất thường. Một dấu hiệu rủi ro khác là có nhiều chủ thể tham gia giao dịch (hàng đưa đến Italia, nhưng thanh toán qua ngân hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ).
Một sơ hở lớn khác trong vụ việc là doanh nghiệp cung cấp cho người mua mã chuyển phát nhanh (DHL) gửi chứng từ đến ngân hàng. Với mã này, kẻ gian có thể theo dõi hành trình và can thiệp, đánh tráo, đánh cặp chứng từ ở một khâu nào đó.
Với khâu thanh toán quốc tế, hiện trong 3 phương thức thanh toán quốc tế phổ biến thì chuyển tiền (T/T) thường dùng cho khách hàng mới, nhờ thu chỉ dùng với khách hàng thân thiết, và mở L/C tại ngân hàng được sử dụng cho hợp đồng trị giá lớn.
Ông Trần Thanh Hải nêu rõ, trong các phương thức thanh toán, ngân hàng không chỉ đóng vai trò tổ chức thanh toán mà còn có vai trò tư vấn. Ngân hàng có hệ thống đại lý của mình, và có thể tư vấn cho người bán biết một ngân hàng do người mua chỉ định có tin tưởng được hay không. Nếu không tin tưởng ngân hàng người mua, người bán nên thương lượng, đề nghị người mua chuyển sang ngân hàng khác, hoặc thay đổi phương thức thanh toán, hoặc yêu cầu phải có thêm bảo lãnh ngân hàng.
“Doanh nghiệp nên yêu cầu người mua đặt cọc. Điều này vừa giúp chứng minh người mua thực sự có tài khoản ở ngân hàng, vừa thể hiện cam kết của người mua. Việc yêu cầu đặt cọc là bình thường khi giao dịch với đối tác mới, doanh nghiệp không nên để người mua thuyết phục bỏ qua điều kiện này” – ông Hải lưu ý.
Biện pháp phòng ngừa rủi ro
Ông Trần Thanh Hải chia sẻ thêm, trong trường hợp muốn bán hàng mà lại chưa yên tâm về người mua, người bán có thể sử dụng một số biện pháp để đảm bảo không bị mất hàng. Cụ thể, yêu cầu vận đơn theo lệnh của ngân hàng. Như vậy ai có vận đơn trong tay mà chưa có lệnh của ngân hàng thì cũng chưa thể nhận được hàng.
Còn trong trường hợp cước phí trả tại Việt Nam (người bán thuê tàu và trả cước, như trường hợp các container điều vừa qua), người bán không nên trả hết tiền cho hãng tàu ngay, mà lấy bảo lãnh ngân hàng để đàm phán với hãng tàu cho thanh toán trả chậm. Nếu người mua chưa thanh toán tiền hàng, người bán chưa trả hết cước thì hãng tàu cũng không thể giao hàng cho người mua.
DN có thể chọn sử dụng các phương thức phòng tránh rủi ro của ngân hàng, ví dụ xác nhận L/C, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng… Các phương thức này sẽ khiến DN mất thêm một khoản phí, nhưng giảm bớt rủi ro.
Một số phương thức phòng ngừa rủi ro khác bao gồm mua bảo hiểm thanh toán, sử dụng dịch vụ giám định của bên thứ ba, sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các công ty luật, mua thông tin từ các trang thông tin uy tín để xác minh độ tin cậy của đối tác.
Khảo sát của PricewaterhouseCoopers cho hay, 52% doanh nghiệp Việt Nam tham gia khảo sát nói rằng, họ đã từng trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế hoặc tội phạm kinh tế khác; con số này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu
Nguồn: congthuong.vn