Nhãn Sơn La: Hiện diện rõ ràng trong kênh phân phối
Từ thức quả của một địa phương miền núi, đến nay, trái nhãn Sơn La đã hiện diện rõ ràng tại các kênh phân phối của các địa phương trên cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Rộng đường xuất khẩu
Cuối tháng 7 vừa qua, tại huyện Sông Mã, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” và cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã – Sơn La xuất khẩu sang thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2021.
Cây nhãn được trồng tại tỉnh Sơn La từ những năm 1960. Cho đến nay cây nhãn trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tỉnh Sơn La. Những năm trở lại đây, sản phẩm nhãn Sơn La đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm.Theo thống kê, năm 2021 diện tích nhãn toàn tỉnh Sơn La ước đạt hơn 19.200 ha, tập trung tại các huyện như Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mường La… sản lượng đạt 98.500 tấn; trong đó, 2.200 ha nhãn đủ điều kiện xuất khẩu, với sản lượng gần 22.000 tấn, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, châu Âu.Riêng huyện Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La với trên 7.200 ha trồng nhãn; trong đó, gần 5.900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; hoạt động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó tỉnh Sơn La đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như: Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa; Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao lựa chọn các sản phẩm có chất lượng tiến hành xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nhãn của Sơn La. Đến nay, toàn tỉnh có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, góp phần làm tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ có sự chuẩn bị kịp thời, năm nay, quả nhãn tươi Sông Mã đã được xuất khẩu sang các thị trường EU và Vương quốc Anh, ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Anh Vì Văn Tuấn, bản Nà Pàn, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, chia sẻ, năm nay quả nhãn tươi trên địa bàn huyện Sông Mã được xuất khẩu ra nước ngoài nên gia đình anh rất phấn khởi. Nhãn của gia đình được thương lái đến tận vườn thu mua. So với một số loại cây trồng khác, nhãn cho sản lượng tốt, giá cả ổn định, nên người trồng rất yên tâm. Do đó, gia đình anh sẽ đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng nhãn.
Năm nay, với trên 200 gốc nhãn ghép cho thu hoạch hơn 10 tấn, quả to, chín đều, năng suất cao hơn năm trước nên gia đình anh rất phấn khởi. Hơn nữa những năm gần đây, nhãn của gia đình anh đều được thương lái thu mua với mức giá ổn định từ 15.000-23.000 đồng/kg.
Nhãn Sông Mã có đặc trưng quả to, vỏ mỏng, cùi dày và hương vị thơm ngọt. Cùng với xuất bán trực tiếp quả nhãn tươi, nhãn còn được chế biến thành long nhãn, được người tiêu dùng ưa chuộng, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập cho người dân, vừa nâng cao giá trị sản phẩm nhãn Sông Mã.
Đầu tư mạnh cho chế biến
Năm nay, trước những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho việc vận chuyển, tiêu thụ nhãn ở các chợ đầu mối tại các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu, tỉnh Sơn La đã sớm có kế hoạch chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn. Theo đó giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, tạo công ăn việc làm tại chỗ, lao động dôi dư bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Với sản lượng khoảng 600-700 tấn nhãn, trước vụ thu hoạch năm nay, 20 thành viên của Hợp tác xã Hưng Lộc, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng 10 lò sấy hơi để chế biến long nhãn. Trung bình mỗi lò hợp tác xã đầu tư gần 200 triệu đồng, trong đó có sự hỗ trợ một phần của tỉnh.
Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lộc – huyện Sông Mã, trước vụ thu hoạch nhãn khoảng 2 tháng, cán bộ các Phòng chức năng của huyện Sông Mã đã đến tuyên truyền, hướng dẫn đơn vị năm nay tập trung vào chế biến, vì ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ khó cho việc vận chuyển, tiêu thụ. Theo đó, các thành viên sớm sẵn sàng tâm thế, đưa 70-80% sản lượng nhãn tươi sang làm long, còn lại xuất khẩu và điều quan trọng là nhãn không phải mang bán ngoài chợ. Từ đầu vụ đến nay, Hợp tác xã đã xuất khẩu được gần 50 tấn nhãn sang Trung Quốc và chế biến hơn 40 tấn quả tươi. Với giá long nhãn là 125.000 – 130.000 đồng/kg, sản phẩm long nhãn được rất nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa cuộng. Điều quan trọng khi làm long nhãn là bà con chủ động được, lúc nào làm long là bẻ nhãn, giá hợp lý thì làm chứ không như bán quả tươi, giá thế nào cũng bắt buộc phải bán.
Ngày 28/7 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1818 về quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây dựng kho bảo quản, lò sấy, máy móc thiết bị để sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn, xoài, mận, chanh leo và các loại rau trên địa bàn.
Mùa vụ 2021, giá nhãn loại 1 tại huyện Sông Mã dao động từ 12.000 – 13.000 đồng/kg; long nhãn từ 125.000 -135.000 đồng/kg tùy loại. Theo các nhà vườn, hợp tác xã và các doanh nghiệp thu mua, với giá như hiện nay, người trồng nhãn vẫn có thu nhập. Tuy giá thành không cao như mọi năm, nhưng đã mở rộng đầu ra cho trái nhãn ở các kênh phân phối, giảm được áp lực trong tiêu thụ quả nhãn tươi do đã hoàn toàn chủ động trong khâu chế biến.
Nguồn: congthuong.vn