Thanh long gặp khó trong tiêu thụ
Cứ vào cuối năm, thanh long có giá cao nhất bởi đây là thời điểm trái vụ. Tuy nhiên, năm nay thanh long đang trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” bởi sản phẩm đang rất khó khăn trong tiêu thụ.
7.000-8.000 đồng/kg thanh long loại 1
Chia sẻ tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa”, diễn ra ngày 31/12, bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An – cho biết: người dân trồng thanh long tại Long An rất trông mong vào thời điểm này bởi trái vụ quả thanh long có giá cao nhất. Trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.
Từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, ngày 27-28/12 vừa qua, các thương lái đã biểu tình, yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân.
Hiện nay địa phương có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Đó là áp lực rất lớn đối với tỉnh. Qua rà soát, Long An hiện có 117 kho thanh long trên địa bàn tỉnh, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng 5.400 tấn. Tuy nhiên lượng tồn hiện nay đã gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn. “Tình hình hiện tại đối với sản phẩm thanh long của Long An đang là thời điểm “nước sôi, lửa bỏng””, bà Khanh cho hay.
Tương tự, tại Bình Thuận, ông Phan Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT – cho hay, sau khi rà soát, sản lượng thanh long của tỉnh đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn, tương đương 30% diện tích hiện có của tỉnh, tức 10.000 ha. Dự kiến thanh long sẽ cho thu hoạch vào 3 đợt trong tháng 1 năm tới, bắt đầu từ ngày 5/1. Hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Trong đó có 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa, còn đơn giản. Con số này so với tổng sản lượng của tỉnh là “không đáng bao nhiêu”. Nếu đưa thanh long vào chế biến thì các doanh nghiệp “không làm được”, trong khi trữ lượng kho lạnh “chưa bằng số lẻ” của sản lượng. Giá hiện tại chỉ 7.000-8.000 đồng/kg với thanh long loại 1. Hàng loại 2, loại 3 không có ai mua. Tỉnh còn tồn 400-500 xe thanh long, cả tháng nay. Sở NN&PTNT đang khuyến khích tiêu thụ nội địa, rà soát kho lạnh. Tình hình là khá cấp bách bởi nông dân cần tiền sắm Tết.
Ông Phan Văn Tuấn kêu gọi doanh nghiệp trong nước hỗ trợ tỉnh này và các tỉnh bạn, các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về cung cấp thông tin, tạo điều kiện hạ tầng…
Để gỡ khó cho thanh long Long An trong thời gian tới, bà Đinh Thị Phương Khanh đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương tiếp tục đàm phán với bên Trung Quốc để nối lại giao thương, thông quan. “Hiện nay còn tồn khoảng 200 xe thanh long của Long An trên cửa khẩu phía Bắc. Đề nghị các địa phương tạo điều kiện để các xe quay đầu có thể bán xả hàng giảm lỗ xuống mức thấp nhất”, bà Khanh đề xuất.
Bên cạnh đó, bà Khanh cũng đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo quản lạnh và hỗ trợ cho người dân. Đồng thời, cần có sự kết nối với những tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa. Về giải pháp lâu dài vẫn là phải có đầy đủ thông tin cụ thể, kịp thời bên Trung Quốc yêu cầu, phương thức chống dịch của nước bạn ra làm sao, yêu cầu hàng hóa phải đáp ứng được tiêu chí gì.
Doanh nghiệp phân phối vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ
Với chính sách “zero Covid” của Trung Quốc, việc thông quan đang bị ảnh hưởng, khiến hàng ngàn xe container hàng hóa bị ùn tắc tại khu vực biên giới phía Bắc. Hiện nay, các mặt hàng nông sản đang ùn tắc nhiều là thanh long, mít ở Lạng Sơn và thủy sản ở Quảng Ninh. Xuất khẩu thanh long nói riêng và trái cây, nông sản nói chung đang gặp rất nhiều khó. Do đó, cùng với kiến nghị mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường truyền thống thì vai trò của thị trường nội địa một lần nữa được nhấn mạnh. Trong đó, sự vào cuộc của hệ thống phân phối trong kết nối tiêu thụ và đưa sản phẩm vào siêu thị là hết sức quan trọng.
Khẳng định sẽ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong siêu thị, ông Paul Lê – đại diện Central Retail cho rằng, trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn, và Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa Tết.
Tương tự, bà Nguyễn Phương Hồng – Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group – cho biết: thời gian từ giờ đến Tết Nguyên đán, Nafoods có thể hỗ trợ cho chanh leo và thanh long. Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc sẽ chuyển về Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về Long An. Sản lượng khoảng 1.000 tấn.
Là doanh nghiệp bán lẻ quy mô, ông Nguyễn Thái Dũng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG (BRG Retail) – cho biết, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận cho nông sản Việt Nam gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRG Mart. Bên cạnh đó, sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ hải sản, trái cây để bán hàng từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, với hạ tầng công nghệ có sẵn, BRG Retail cũng đẩy mạnh bán các mặt hàng nông sản trên hệ thống ứng dụng mua hàng online của mình. “Thị trường nội địa đang vào giai đoạn tiêu thụ cuối năm, nhu cầu cũng tăng nên chúng tôi muốn hợp tác với bà con nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ. Với chất lượng, hình thức sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cùng với mức giá bán phi lợi nhuận của BRG Retail, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận”, ông Nguyễn Thái Dũng nhận định thêm.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp phân phối cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan cần có chính sách tuyên truyền để bà con nông dân, doanh nghiệp quan tâm hơn đến thị trường nội địa, chứ không chỉ tìm đến khi xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay. “Có thể do thói quen kinh doanh nên đa số nông sản phía Nam thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, chúng ta cần có công tác định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu. Khi song hành trong thị trường xuất khẩu và nội địa, chúng ta sẽ phát triển ổn định và bền vững”, ông Nguyễn Thái Dũng nhấn mạnh thêm.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- nhận định, hiện thanh long rất khó xuất khẩu, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị để sớm tháo gỡ. Một phương án có thể tính đến là kết nối với các đơn vị chế biến. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm, cần nắm được thông tin từ phía nước bạn. Với riêng thanh long, Bộ NN&PTNT đang xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn và sẽ trình Chính phủ sớm.
Nguồn: congthuong.vn