Tháo gỡ nút thắt về logistics: Đòn bẩy tăng sức cạnh tranh nông sản Sơn La

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang rất quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Đây là thông tin tại Hội nghị định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức ngày 8/4/2022.

Nhu cầu về dịch vụ logistics rất lớn

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La là một tỉnh miền núi, nằm ở vị trí trung tâm khu vực Tây Bắc, với diện tích đất hơn 14 triệu km2, lớn thứ 03 cả nước.

Trong năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên chính quyền và nhân dân tỉnh Sơn La đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, duy trì tăng trưởng kinh tế. Trong đó điểm sáng là khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với tốc độ tăng 7,19%, vượt hơn 2,29% so với kế hoạch đề ra.

“Sơn La được ưu đãi về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Sơn La vươn lên đứng thứ 2 cả nước về diện tích cây ăn quả và lớn nhất khu vực miền Bắc, với tổng diện tích cây ăn quả các loại đạt trên 84.000 ha, sản lượng ước đạt gần 450.000 tấn/năm” – ông Lê Hồng Minh thông tin.

Sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh Sơn La đang từng bước được sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu gắn với công nghiệp chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn; có 24 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hoá, nhất là sản phẩm nông sản tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh; sản phẩm nông sản đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản vào thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.

“Năm 2021, giá trị hàng hoá tham gia xuất khẩu đạt trên 161,2 triệu USD, tăng 43,9% so với năm 2020, trong đó trên 150 triệu USD giá trị hàng hoá nông sản thực phẩm, tăng 45,1% so với năm 2020 (giá trị hàng hóa nông sản quả tươi đạt trên 24 triệu USD, hàng hóa nông sản chế biến đạt trên 126 triệu USD)” – ông Lê Hồng Minh cho hay.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu “xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”. Trong đó định hướng, phấn đấu đưa Sơn La trở thành trở thành Trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu và du lịch của vùng Tây Bắc.

Theo đó, trong thời gian tới nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Sơn La là rất lớn.

“Mặc dù vậy, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Sơn La phát triển còn rất hạn chế như: Hạ tầng logistics manh mún, thiếu sự đồng bộ; hình thức dịch vụ logistics còn đơn điệu, tính liên kết không cao; năng lực cung ứng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp địa phương còn hạn chế…” – ông Lê Hồng Minh nêu thực trạng.

Cần tháo gỡ nút thắt về logistics

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, trong thời gian qua, Sơn La – một địa phương ở Tây Bắc nhưng đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển nền nông nghiệp.

Tuy nhiên, một trong những điểm khó hiện nay của Sơn La đó là về khâu logistics giúp đưa được sản phẩm nông sản ra ngoài nhanh hơn, tốt hơn. “Sơn La là tỉnh miền núi, khó khăn về giao thông nên cần làm tốt logistics để vượt qua các hạn chế của điều kiện tự nhiên” – ông Trần Thanh Hải nói.

Logistics thực chất là toàn bộ các hoạt động tác động đến hàng hóa trong quá trình từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng như: Vận chuyển, sơ chế, thủ tục hải quan xuất khẩu… “Các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng như của doanh nghiệp cần nhận thức đúng, rõ vai trò của logistics để quan tâm đầu tư nhiều hơn; đồng thời, triển khai quyết liệt, với sự đồng hành của Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Sơn La, hiện nay, một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh đang thiếu và yếu, cần thúc đẩy phát triển là ngành logistics. Nhìn chung, các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn.

Hiện chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật…hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

“Từ những thực trạng nêu trên, hiện nay tỉnh Sơn La đang rất quan tâm tới việc thúc đẩy phát triển logistics làm đòn bẩy cho hoạt thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh” – đại diện Sở Công Thương tỉnh Sơn La bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty Quốc tế Delta cho biết, Sơn La được biết đến là tỉnh có sản lượng cây trái lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, hiện khâu chế biến sau thu hoạch chưa tốt nên tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch còn cao cũng như các dịch vụ về logistics chưa phát triển.

Do đó, thông qua hội nghị hôm nay chúng tôi mong muốn tìm kiếm đối tác địa phương để phát triển dịch vụ này ở thị trường Sơn La. “Delta có kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực để đáp ứng nhu cầu về logistics trong tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La do chúng tôi đang làm logistiscs cho hàng hoa quả tươi Thái Lan…” – ông Trần Đức Nghĩa chia sẻ.

Nguồn: congthuong.vn