CPTPP tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh

Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mexico, Chile.

Tại Việt Nam, sản lượng cá ngừ khai thác hàng năm (bao gồm cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn và các loại khác) đạt hơn 200 nghìn tấn. Trong đó, riêng các chủng loại cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình trên 45 nghìn tấn, với sản lượng khai thác hàng năm từ 17.000 đến 21.000 tấn.

Trong những năm gần đây, cá ngừ luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản và là nhóm mặt hàng có giá trị lớn thứ ba trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các sản phẩm cá ngừ của nước ta đã xuất được sang hơn 100 thị trường trên thế giới; trong đó Hoa Kỳ, EU, Trung Đông và các nước thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là 4 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm tỷ trọng từ 82-86% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Những tháng đầu năm 2023, khi nhận định về thị trường cá ngừ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Ngoài ra chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được “Thẻ vàng IUU”; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản… vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang rất khả quan. VASEP kỳ vọng các FTA sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và dự báo nhu cầu của thị trường có thể sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Theo đó, xuất khẩu cá ngừ của nước ta lạc quan tin tưởng sẽ có sự tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm nay.

Với nguồn nguyên liệu ổn định, năng lực chế biến đang dần tăng lên, giới chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để đưa ngành bứt tốc. Trong 4 tháng năm 2023, 2 nước Mỹ Latin là Mexico và Chile chi khoảng 12 triệu USD chỉ để mua một loại cá biển của Việt Nam, tăng gần gấp đôi năm 2022.

Trong đó, Mexico và Việt Nam là hai thị trường khá tương đồng với nhau. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi.

Theo VASEP, trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mexico tăng trưởng liên tục.

Chỉ riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng tới 117% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 1,9 triệu USD. Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Mexico đạt gần 7,4 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng này, Mexico hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 8 của Việt Nam.

Còn theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mexico nhập khẩu chủ yếu thịt/loin cá ngừ từ Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 74% tổng giá trị xuất khẩu, còn lại là các sản phẩm cá ngừ chế biến khác.

Từ việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam xuất khẩu sang Mexico hiện đang được giảm từ mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0%. Còn các sản phẩm cá ngừ chế biến khác như loin cá ngừ hấp đông lạnh đang được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mexico. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mexico, nhất là đối với mặt hàng thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304.

Nhận định Mexico vẫn là một thị trường lớn tiềm năng mà Việt Nam cần phải được khai thác, ông Lưu Vạn Khang – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico – cho biết, với tình hình thế giới có nhiều biến động, giá nhân công và hàng hóa của Trung Quốc ngày càng tăng nên xu hướng của các công ty nhập khẩu trên thế giới, trong đó có Mexico, đang có định hướng tìm nhà cung cấp khác, và Việt Nam cũng nằm trong số đó. “Hiệp định CPTPP đã đi vào thực hiện được 3 năm nên có nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới, trong đó có cá ngừ” – ông Khang thông tin.

Năm 2022, có 9 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang Mexico. Trong số này, Công ty TNHH Thủy sản An Hải, Công ty TNHH Hải Thanh và Công ty CP Thủy sản Bình Định là 3 công ty xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 82% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.

Cũng theo báo cáo của VASEP, sau khi sụt giảm trong tháng 2/2023, liên tục trong 2 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Chile đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Số liệu thống kê cho thấy, tính riêng tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 78%, đạt hơn 1,6 triệu USD. Nhờ đó lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Chile tăng 51% so với cùng kỳ, đạt hơn 5 triệu USD.

Tính trong khối thị trường các nước tham gia CPTPP, Chile là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 4 của Việt Nam. Chile hiện nhập khẩu chủ yếu thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sau đó là các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, chiếm 29%.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 của Chile trong quý đầu năm 2023, sau Ecuador, Thái Lan và Trung Quốc. Trong khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và Thái Lan sang Chile tăng, xuất khẩu cá ngừ của Ecuador, Trung Quốc lại giảm. Các ưu đãi thuế quan theo hiệp định CPTPP đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Các công ty đang dẫn đầu về xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Chile trong 4 tháng đầu năm nay gồm Trinity Vietnam, Hai Trieu Co., Ltd và Haivuong group.

VASEP cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của Chile đã giảm trong tháng 4 xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua, đưa lạm phát chung 12 tháng xuống 9,9%, giảm từ mức 11,1% trong tháng 3. Điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tại nước này trong đó có cá ngừ. Và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Chile.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong năm 2022 đã thiết lập mức cao kỷ lục, đạt 1,02 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021 và tăng 57,2% so với năm 2020. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm: cá ngừ phi lê, cá ngừ chế biến, cá ngừ đóng hộp, cá ngừ tươi, cá ngừ đông lạnh, cá ngừ khô.

Nguồn: https://kinhte.congthuong.vn/