Đưa hàng Việt “phủ sóng” siêu thị Nhật Bản

Xuất khẩu trực tiếp thông qua hệ thống phân phối nước ngoài đang phát huy hiệu quả, tạo đầu ra thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam.

Cửa đang rộng mở

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, Nhật Bản là đối tác kinh tế – thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản 24,2 tỷ USD và nhập khẩu từ Nhật Bản 23,4 tỷ USD. Hiện Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Riêng trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản ước đạt 29,1 tỷ USD.

Nhiều hàng hóa của doanh nghiệp Việt ngày càng “phủ sóng” nhiều hơn trong các hệ thống phân phối hiện đại tại Nhật Bản. Doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển khá tốt phương thức xuất khẩu hàng hóa thông qua các siêu thị lớn đang đầu tư tại Việt Nam.

Theo Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, Việt Nam đang xuất khẩu sang Nhật đa dạng các mặt hàng, trong đó có cả sản phẩm chế biến, chế tạo. Đáng lưu ý, một số sản phẩm của Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản. như: nước dừa, sữa dừa… Việt Nam đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận, hay cà phê Việt Nam được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị bình dân tại Tokyo.

Đáng chú ý, trong nỗ lực đưa hàng Việt tới siêu thị nước ngoài, “Tuần lễ triển lãm sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam và Hội nghị kết nối Doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào chuỗi siêu thị AEON năm 2023” là chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại thường niên nhằm tạo cơ hội đẩy mạnh hợp tác giữa Tập đoàn AEON – một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới của Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có thương hiệu uy tín.

Đây là một trong những chương trình được đánh giá mang tính hiệu quả cao, hướng tới đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống AEON đạt 1 tỷ USD vào năm 2025. Thông qua tuần hàng, nhiều loại sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn đã được AEON nhập khẩu và đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của AEON.

Theo Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam (thuộc Tập đoàn AEON), năm 2018, sản phẩm may mặc chiếm 60%, sản phẩm gia dụng chiếm 30% tổng sản phẩm AEON Topvalu Việt Nam đã xuất khẩu. Đến nay, tỷ lệ xuất khẩu nhóm hàng thực phẩm vươn lên chiếm khoảng 40% và hướng tới mục tiêu đạt 60% trong thời gian tới.

Đáp ứng điều kiện từ thị trường khó tính

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thông tin, những năm trở lại đây, các tiêu chuẩn nhập khẩu của Nhật Bản ngày càng khắt khe. Chỉ riêng ngành nông thủy sản, 5 năm trở lại đây số vụ lô hàng Việt xuất khẩu sang Nhật Bản bị trả về đã tăng gần gấp đôi, từ 54 vụ năm 2018 lên 90 vụ năm 2022. Không chỉ nông thủy sản gặp khó, ngành dệt may cũng phải liên tiếp đối mặt thách thức khi không chỉ phải bền đẹp, đa dạng mẫu mã mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.

Tiêu chuẩn khắt khe, doanh nghiệp lại thiếu thông tin về nhu cầu thị trường, cách tiếp thị, đối thủ cạnh tranh… nên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản còn hạn chế. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chưa khai thác hiệu quả các kênh phân phối, khả năng quản lý còn yếu.

Từ kinh nghiệm rất nhiều năm làm ăn và kết nối xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group cho biết, hàng hóa của Việt Nam rất được lòng người tiêu dùng Nhật Bản. Đặc biệt, ngoài hàng nông sản, các món ăn nổi tiếng của Việt Nam như phở, bánh mì… cũng chiếm được cảm tình của khách Nhật. Nhiều nhà hàng Việt Nam đã có mặt tại các thành phố lớn ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Cường, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu của Nhật Bản rất cao, là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, trở ngại hiện nay là hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa hiểu rõ thị trường và văn hóa tiêu dùng của người Nhật. Ngoài chất lượng sản phẩm thì bao bì cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng, song nhiều doanh nghiệp chưa thấu hiểu. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn xa hơn khi làm việc với đối tác Nhật Bản, đặc biệt cần trung thực, thực thi đúng các cam kết trong hợp đồng.

Ông Keigo Yoshida, Giám đốc cấp cao phụ trách bộ phận sản phẩm Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JCCH) lưu ý, với các mặt hàng nông sản cần sự tươi ngon, do đó khâu vận chuyển là rất quan trọng. Đây là điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản nhằm mang lại giá trị cao cho hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh về giá với các sản phẩm tương đồng của Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản. Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc có bề dày kinh nghiệm về sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ đầu tư nhà máy thời gian ngắn, tỷ lệ khấu hao tài sản cao, ít lợi thế về nhân công nên giá thành cao hơn.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/