Giày dép của Việt Nam rộn ràng sang Mỹ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2022 kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 904,41 triệu USD, tăng 28,84% so với cùng kỳ năm 2021, là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất chiếm 44,78% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 được Hiệp hội Da giày Bồ Đào Nha (APICCAPS) vừa được công bố, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu với khoảng 1,2 tỷ đôi giày trong năm 2020, đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày. Đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu da giày là Trung Quốc, với 7,4 tỷ đôi giày xuất khẩu trong năm 2020. Sau Việt Nam, Indonesia đứng ở vị trí thứ ba, tiếp đến là Đức, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tháng 4/2022 xuất khẩu giày dép của các doanh nghiệp FDI đạt trên 1,64 tỷ USD, giảm 0,29% so với tháng trước và tăng 13,98% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu giày dép của khối doanh nghiệp FDI đạt 5,93 tỷ USD, tăng 10,17% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 81,05% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép trong tháng 4/2022 ước đạt kim ngạch trên 2,01 tỷ USD, tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 17,39% so với tháng 4/2021. Tính đến hết 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu mặt hàng này đạt 7,31 tỷ USD, tăng 12,39% so với cùng kỳ và chiếm trên 5,97% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam chiếm 44,78% tổng kim ngạch xuất khẩu, đứng thứ 2 là thị trường EU với 504,09 triệu USD, tăng 8,24% so với tháng trước và tăng 19,44% so với cùng kỳ, chiếm 24,96%; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 110,01 triệu USD, giảm 24,73% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm 2021 lại giảm 21,78%, chiếm 5,45% trong tổng kim ngạch.

Hiện nay, Việt Nam đã tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 ở mức cao, nên hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu giày dép nói riêng sẽ có thêm trợ lực để tăng trưởng xuất khẩu. Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2022, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, một số khâu công việc vẫn phải thuê lao động kỹ thuật cao của nước ngoài. Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Brazil, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… giảm so với cùng kỳ năm trước, cần lưu ý để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm này.

Ngành da giày tuy chỉ chiếm 0,4% tổng số doanh nghiệp, 0,8% vốn sản xuất – kinh doanh, 1% tổng giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn, nhưng chiếm tỷ trọng cao hơn về doanh thu (1,6%), lợi nhuận trước thuế (1,8%). Sự phát triển của ngành da giày đã mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng tranh thủ mở rộng sang các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do. Theo Bộ Công Thương, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.

Các tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vậy, giày dép luôn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cấp C/O cao và tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi. Do đó, mục tiêu năm 2022 tăng trưởng toàn ngành sẽ từ 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD là con số khả thi.

Nguồn “Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương”