Nhiều điều kiện của thị trường tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu

Sự cạnh tranh gay gắt ở các thị trường lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải thường xuyên tiếp cận, nắm bắt thị trường và thay đổi để thích ứng với những tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe.

Đáp ứng tiêu chuẩn là điều kiện tiên quyết xâm nhập thị trường

Sau 2 năm theo đuổi, tìm hiểu thị trường để chủ động sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, Liên hiệp hợp tác xã nông sản Thái Nguyên đã có lô hàng xuất khẩu 2 tấn trà đầu tiên sang Hoa Kỳ đầu năm 2023. Đến nay đều đặn mỗi tháng Liên hiệp hợp tác xã nông sản Thái Nguyên đã xuất khẩu 1 container sang thị trường này.

Chia sẻ về chinh phục thị trường lớn, bà Đoàn Thanh Hằng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Liên hiệp HTX nông sản Thái Nguyên cho biết, để xuất khẩu được sang thị trường Mỹ HTX phải nghiên cứu kỹ thị trường, sản xuất theo thói quen thị hiếu của người tiêu dùng và hơn hết là sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Theo bà Đoàn Thanh Hằng, khi chinh phục được thị trường lớn như Hòa Kỳ thì việc mở rộng xuất khẩu sang thị trường khác sẽ có nhiều thuận lợi hơn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ, càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu. Hơn nữa Trung Quốc mở cửa trở lại, tăng cường xuất khẩu sang các địa bàn trọng điểm làm gia tăng sự cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ. Theo số lượng thống kế, lượng container nhập khẩu tại các cảng biển Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã tăng trở lại trong 2 tháng đầu năm 2023.

Không chỉ Hoa Kỳ, ở nhiều thị trường lớn khác cũng có nhiều quy định, tiêu chuẩn cao doanh nghiệp cần lưu ý để chuyển đổi, gia tăng sức cạnh tranh hàng hóa. Đối với thị trường EU, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, EU tập trung thực hiện quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như gạo, các loại hạt, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, Cơ quan Quản lý thực phẩm và thú y Đan Mạch vừa công bố chiến dịch kiểm soát trong năm 2023, theo đó sẽ kiểm soát quá trình lên men của xúc xích, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, tuyên bố về sinh thái, đường in trên bánh ngọt và cocktail, sản phẩm tổng hợp từ nước thứ ba và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm nhập khẩu.

Ngay như thị trường lớn là Trung Quốc, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, từ khi mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại có thuận lợi nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Cạnh tranh hàng hoá sẽ lớn hơn rất nhiều so với thời gian trước; Trung Quốc kiểm soát ngày một chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Thay đổi tư duy sản xuất

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, vượt qua được những rào cản khắt khe của thị trường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, các bộ ngành xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, các yếu tố về sản xuất và tiêu dùng bền vững với mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn và quy định tại thị trường Hoa Kỳ.

Song song đó, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng tăng cường mối liên hệ với các đối tác qua các nền tảng trực tuyến, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến tại thị trường Hoa Kỳ, lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm phù hợp, tham gia các chương trình khảo sát, nghiên cứu thị trường, tăng cường giao lưu, hợp tác với các đối tác.

Đại diện Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cho rằng, cần xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một vài ngành hàng hoặc một vài nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Ví dụ, cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt Việt Nam (là 2 sản phẩm Trung Quốc không sản xuất được) thông qua tổ chức tuần hàng nông sản tại các khu vực tập trung đông người, biên tập cẩm nang giới thiệu về lịch sử, văn hóa, ẩm thực… về sầu riêng, măng cụt… nhằm tạo thương hiệu hàng Việt, từ đó góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, cần có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam chủ động xây dựng kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc. Tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy. Cùng với đó, xây dựng các video ngắn quảng bá về thương hiệu, hình ảnh sản phẩm Việt bằng tiếng Trung trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.

Cùng với đó, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc. Chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các Thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương…

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/