Trung Quốc tiêu thụ nhiều sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 11/2023, XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt gần 20 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng giá trị gia tăng đang được ưa chuộng tại thị trường này.
Các công ty XK cá tra Việt Nam đang phát triển nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng (GTGT) hơn như cá tẩm bột và tẩm gia vị sang thị trường Trung Quốc nhằm nắm bắt cơ hội doanh số bán lẻ và siêu thị đang tăng trưởng tại Trung Quốc sau đại dịch Covid-19.
So với các loại thủy sản khác, thị trường cá tra toàn cầu phục hồi chậm hơn sau Covid-19, nhưng doanh số bán hàng dự kiến sẽ cải thiện. Các sản phẩm cá tra GTGT cần được giới thiệu, quảng cáo liên tục để tạo thị hiếu và thói quen cho người tiêu dùng tại quốc gia tỷ dân này.
Theo Công ty CP Gò Đàng (GODACO), công ty đang chuyển trọng tâm và tập trung chủ yếu vào sản phẩm GTGT, tẩm bột, tẩm gia vị và các loại sản phẩm khác từ cá tra. Các sản phẩm GTGT hiện chiếm 10-20% doanh thu của GODACO và dự kiến tương lai sẽ tăng lên 30%. Ngoài thị trường Trung Quốc, GODACO chủ yếu XK các sản phẩm phile cá tra sang châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Trung Đông. Ngoài ra, công ty cũng XK các sản phẩm GTGT sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc công ty Thủy sản Trường Giang cho biết, cá tra Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong 10 năm qua. Hiện nay, Trung Quốc cũng đã triển khai nuôi cá thịt trắng. Tuy nhiên, theo nhận định của các doanh nghiệp Trung Quốc, cá thịt trắng nuôi ở Trung Quốc đang bán với mức giá rẻ hơn do khó tiêu thụ và chất lượng thịt khó bằng cá tra Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng, đồng thời tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm khác ngoài phile đông lạnh – sản phẩm chủ lực của cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo các chuyên gia trong ngành cá tra, nhu cầu cá tra phi lê chất lượng cao vẫn còn dư địa để tăng trưởng đáng kể ở Trung Quốc, bất chấp con số sụt giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2023. Theo Hải quan Trung Quốc, tính đến hết tháng 9/2023, thị trường này đã tiêu thụ 127.000 tấn cá tra đông lạnh, trị giá 264 triệu USD.
Chenxin Dong, Tổng giám đốc nhà phân phối Octogone tại Trung Quốc (Công ty con của Công ty CP Vĩnh Hoàn) cho biết, cá tra chất lượng cao vẫn có lợi thế ở Trung Quốc, có tiềm năng tăng trưởng bùng nổ nếu thay thế các nguyên liệu trong cách chế biến. Một số món ăn cá tra phổ biến tại Trung Quốc bao gồm: cá tra nấu dưa chua Tứ Xuyên, dưa muối Tứ Xuyên hay cá nướng, lẩu,…
Thị trường cá tra Trung Quốc bắt đầu phục hồi từ tháng 7/2023 và tăng liên tục trong tháng 8 và tháng 9. Sự tăng trưởng này đến từ việc gia tăng nhu cầu ăn uống trong kỳ nghỉ hè của sinh viên và các hạn chế về đại dịch được nới lỏng. Doanh số bán cá tra trong ngành dịch vụ ăn uống cũng đang phục hồi. Rõ ràng, tiêu thụ cá tra vẫn ổn định, tuy nhiên thách thức từ việc bán hết hàng tồn kho có giá cao hơn từ năm ngoái khiến lợi nhuận giảm đáng kể.
Tính đến 15/11/2023, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông nhập khẩu hơn 510 triệu USD cá tra từ Việt Nam, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này đang có những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm nay. Kim ngạch XK cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục duy trì đà tăng trưởng dương trong cả tháng 11/2023.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/