Xuất khẩu sang Trung Quốc: Sẽ kiến nghị các mặt hàng cần hỗ trợ
Để giúp doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, thời gian tới các đơn vị sẽ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, kiến nghị những mặt hàng cần hỗ trợ.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” và các quy định về xuất khẩu nông sản sang thị trường này thay đổi rất lớn từ năm 2022. Theo Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc, ngay từ đầu năm 2022, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài xuất thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.
Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại (tăng 16,7%); giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%).
Ðể tăng cường giám sát các sản phẩm nông sản nhập khẩu, tiêu chuẩn này cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng ở Trung Quốc. Những yêu cầu này đang dần tiệm cận với những nước phát triển, và duy trì việc kiểm soát Covid-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thủy sản sống.
Ðối với các sản phẩm trồng trọt, Trung Quốc đang ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là giao thương tiểu ngạch. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư và yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Những chính sách này đang tác động trực tiếp, ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản của nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể như tại Cần Thơ, theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ hiện nay, doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn gặp một số vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện những quy định mới từ phía Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được thông tin cụ thể về nhưng quy định, thay đổi tại thị trường này.
Điển hình như, đại diện Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An – chuyên xuất khẩu gạo chia sẻ, công ty muốn biết phía Hải quan Trung Quốc yêu cầu cụ thể những thủ tục, quy định mới nào để công ty kịp thời chuẩn bị, tránh tình trạng bị xử phạt hoặc hàng hóa bị trục trặc trong quá trình xuất khẩu.
Trong khi đó, đại diện Công ty Trái cây Mekong bị vướng đăng ký mã số trái cây sấy khô và mã số bánh kẹo cho sản phẩm trái cây sấy khô vì không biết áp dụng mã số nào cho sản phẩm. Công ty mong được hướng dẫn hồ sơ đăng ký đúng mã số sản phẩm để công ty có thể xuất khẩu được.
Tại Bạc Liêu, với hoạt động xuất khẩu thủy sản, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu, cho biết, năm 2022 xuất khẩu thủy sản của tỉnh sang thị trường Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Đặc biệt khi thị trường này triển khai lệnh 248 về quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/1.
“Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ những quy định được quốc gia này đưa ra. Thời gian đầu ngành thủy sản Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn để đáp ứng yêu cầu mới của Trung Quốc, song nếu nhìn ở khía cạnh khác, đây là cơ hội để “chuẩn hóa” ngành hàng này”, ông Cận chia sẻ.
Sẽ kiến nghị những mặt hàng cần hỗ trợ
Ông Hà Vũ Sơn – Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ sang thị trường Trung Quốc là 97,11 triệu USD; trong đó, thủy hải sản là 39,16 triệu USD, nông sản và nông sản chế biến là 54,7 triệu USD và các mặt hàng khác như gạo, may mặc, lông vũ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua Sở Công Thương đã thường xuyên cập nhật và thông tin các văn bản có liên quan về lĩnh vực hàng hóa xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục kết nối với các Thương vụ để cập nhật thông tin thị trường. Điển hình như mới đây thị trường Hàn Quốc có nhu cầu về gạo, hay cập nhật những quy định mới tại thị trường EU…. để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp. Đồng thời, quảng bá, kết nối, xúc tiến để tiêu thụ, quảng bá hàng hóa cho doanh nghiệp đến với thị trường trong và ngoài nước.
Ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ kiến nghị các mặt hàng cần hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo quy định, đến ngày 30/6/2023, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký và hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ với Hải quan Trung Quốc. Sau 30/6/2023, nếu doanh nghiệp nào không hoàn thiện hồ sơ, Hải quan Trung Quốc sẽ xóa mã số, hồ sơ sẽ mất, sản phẩm không thể xuất khẩu được vào thị trường này.
Nguồn: congthuong.vn