Chỉ số hàng hóa MXV-Index tăng phiên thứ 6 liên tiếp
Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, mặc dù diễn biến phân hóa khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày hôm qua, tuy nhiên lực mua có phần chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index nối dài đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp, với mức tăng 0,58% lên 2.350 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng hơn 8% so với ngày trước đó, đạt 3.854 tỷ đồng.
Giá dầu WTI tiến sát ngưỡng 80 USD/thùng
Thị trường dầu thô tiếp tục đón nhận lực mua tích cực trong phiên giao dịch ngày 25/7, được hỗ trợ bởi các dấu hiệu suy giảm nguồn cung tại các quốc gia sản xuất, xuất khẩu lớn. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 1,13% lên mức 79,63 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,09% lên mức 83,64 USD/thùng, đánh dấu phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua..
Xuất khẩu dầu thô của Nga từ các cảng Baltic và Biển Đen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng khi Moscow thực hiện cắt giảm xuất khẩu. Cụ thể, tổng xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 23/7 đã giảm 311.000 thùng/ngày so với tuần trước xuống 2,73 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung dầu thô của Nga giảm, bên cạnh việc thắt chặt của Trung Đông đã khiến các khoản chiết khấu đối với dầu thô ESPO xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc kỳ hạn tháng 9 tiếp tục thu hẹp. Điều này khiến nguồn dầu thô Mỹ cũng trở nên cạnh tranh hơn và thúc đẩy đà tăng của giá.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhu cầu đang có xu hướng phục hồi rõ rệt trong giai đoạn mùa Hè tiêu thụ cao điểm. Giá xăng trung bình tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày kể từ ngày 6/6/2022.
Tồn kho các sản phẩm nhiên liệu, đặc biệt là dầu diesel đang ở mức thấp, cũng gây ra rủi ro tăng giá đối với dầu thô trong trường hợp nền kinh tế Mỹ mạnh hơn trong các quý cuối năm.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng 1,32 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 21/7, trái chiều so với mức dự đoán giảm của thị trường, nhiều khả năng sẽ khiến giá dầu gặp áp lực trong phiên mở cửa.
Giá bông tăng 7 phiên liên tiếp, cà phê suy yếu
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá bông dẫn đầu đà tăng với mức tăng mạnh 2,24% trong phiên hôm qua, đánh dấu phiên tăng giá thứ 7 liên tiếp của mặt hàng này. Nắng nóng tại Texas, bang sản xuất bông chính của Mỹ làm dấy lên lo ngại thu hẹp nguồn cung bông. Trong khi đó, nhu cầu bông tự nhiên tăng trong bối cảnh giá dầu tăng cao đẩy giá Polyester, chất thay thế chính của bông tự nhiên tăng theo, từ đó thúc đẩy lực mua đối với mặt hàng này.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá dầu cọ đã giảm hơn 2% do áp lực chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 tháng rưỡi.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu ăn trong tháng 7 của Ấn Độ dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục 1,86 triệu tấn, cao hơn gần 60% so với mức trung bình do các nhà tinh chế tăng cường mua hàng để xây dựng kho dự trữ cho các lễ hội trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế từ biển Đen.
Giá 2 mặt hàng cà phê cùng suy yếu, trong đó giá Arabica giảm 0,71% và giá Robusta giảm 0,79% so với tham chiếu. Hoạt động thu hoạch cà phê sẽ tiếp tục diễn biến tích cực tại Brazil, từ đó tạo tiền đề cho việc bảo đảm nguồn cung trên thị trường trong thời gian tới.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê trong nước quay đầu suy yếu. Cụ thể, cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ được chào bán trong khoảng 66.400 – 67.100 đồng/kg, giảm 400 đồng/kg so với ngày trước đó.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/