Phát triển các giống khoai có hàm lượng dinh dưỡng cao
Trung tâm Khoai tây quốc tế toàn cầu (CIP) phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) triển khai các giải pháp chống chịu sâu bệnh trên cây khoai lang, khoai tây mà không phải sử dụng thuốc trừ sâu.
Văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 16/2, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã có cuộc làm việc với đại diện Trung tâm Khoai tây quốc tế toàn cầu (CIP).
Tại cuộc làm việc, bà Kawarazuka Nozomi, Điều phối viên tại Việt Nam của CIP thông tin: CIP đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) triển khai các giải pháp chống chịu sâu bệnh trên cây khoai lang, khoai tây mà không phải sử dụng thuốc trừ sâu. CIP sẽ nghiên cứu tìm ra các giải pháp nhằm ngăn chặn rủi ro nhiễm mầm bệnh từ các giống khoai lang nhập khẩu. Thời gian tới, CIP sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc ngăn ngừa và điều trị các loại sâu bệnh trên các giống cây trồng.
Trước đây, Việt Nam có khoảng 100.000 ha khoai tây. Nhưng do khoai tây mẫn cảm với thời tiết và các loài sâu bệnh gây hại, nên hiệu quả kinh tế thấp dần khi biến đổi khí hậu tác động ngày càng rõ. Hiện nay, diện tích trồng khoai tây chỉ bằng 20% diện tích trước đây; năng suất đạt từ 13,5-15,9 tạ/ha.
Còn về khoai lang, sản lượng thu hoạch hằng năm của cả nước dao động trong khoảng 1,2-1,5 triệu tấn. Cùng với các giống khoai lang truyền thống, trong khoảng 15 năm trở lại đây, nông dân ở nhiều địa phương đã tích cực đưa giống khoai lang Nhật vào trồng cho hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ông Hugo Campos, Phó Tổng giám đốc CIP cho biết, CIP không chỉ thực hiện các hoạt động nghiên cứu về khoai tây, mà còn những loại cây trồng khác với mục đích nâng cao hàm lượng dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Các giống khoai tây của CIP tại Việt Nam kháng được bệnh, chống chịu được các điều kiện khác nhau và có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao hợp tác của CIP với Việt Nam trong 40 năm qua; cho biết Bộ NN&PTNT sẵn sàng phối hợp với CIP tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để thực hiện các chương trình, dự án về chọn tạo giống khoai lang và khoai tây, nâng cao năng lực sản xuất và chế biến khoai tây và khoai lang cho nông dân, doanh nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng bày tỏ mong muốn CIP hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, các mô hình tiên tiến trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam; cùng xây dựng triển khai các mô hình thí điểm; tăng cường năng lực cho các đối tượng khác nhau trong chuỗi giá trị sản xuất.
Cùng với đó, CIP thực hiện một số chương trình sức khỏe cây trồng, cần tăng cường các hoạt động này vì đây là một trong những lĩnh vực quan tâm của Khung đối tác “Một sức khỏe” do Bộ NN&PTNT chủ trì. Sức khỏe cây trồng, nhất là các cây lương thực, cũng quan trọng như sức khỏe vật nuôi, sức khỏe môi trường… để đảm bảo sức khỏe con người.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị CIP tăng cường hợp tác với Khung đối tác “Một sức khỏe” về lĩnh vực này để triển khai Thỏa thuận hạt giống không biên giới được ký kết cuối năm 2022
Nguồn: https://baochinhphu.vn/