Tận dụng thời gian phục hồi để tăng tốc tăng trưởng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn chưa vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại, vẫn còn một chặng đường trước khi thấy sự phục hồi đáng kể.

6 điểm sáng

Theo báo cáo “Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2023” vừa được TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố, kinh tế thế giới 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn, các tín hiệu phục hồi yếu hơn so với 4 tháng đầu năm, trong đó các “đầu tàu” kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn.

Ở trong nước, kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận một số kết quả tích cực:

  1. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả đã chỉ ra 6 điểm sáng quan trọng của kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023.

Thứ nhất, dịch bệnh được kiểm soát.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng quan trọng như lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đang suy giảm, lĩnh vực tiêu dùng đang là bệ đỡ quan trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đà tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng đang có dấu hiệu chậm lại (trong 3 tháng đầu năm tăng 13,9%, lũy kế 4 tháng tăng 12,77% và 5 tháng tăng 12,55% so với cùng kỳ năm trước).

Thứ tư, lạm phát ổn định dù nhiều hàng hóa do nhà nước quản lý tăng giá. Xu hướng hạ nhiệt của lạm phát tương đối rõ nét khi chỉ số CPI giảm 3 tháng liên tiếp, tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn còn (dù trong tầm kiểm soát). Với các yếu tố hỗ trợ đang chiếm ưu thế (chính sách hỗ trợ học phí; giá các mặt hàng do nhà nước quản lý được điều tiết hợp lý, cung ứng hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, cung tiền chưa thể tăng nhanh…), CPI bình quân cả năm nhiều khả năng sẽ thấp hơn so với mục tiêu (ở mức 3,8-4,2%).

Thứ năm, giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, luỹ kế 5 tháng đầu năm, vốn thực hiện đạt 177.000 tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%). Kết quả hoạt động đầu tư công được duy trì tích cực là nhờ các bộ, ngành và địa phương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các dự án với mục tiêu tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với mục tiêu cao đã được Thủ tướng giao (khoảng 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022), các bộ, ngành, địa phương vẫn cần tiếp tục tập trung, nỗ lực hơn nữa, nhất là trong quá trình chuẩn bị và triển khai các dự án trọng điểm trong các tháng còn lại của năm nay. Thứ sáu, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, tỷ giá cơ bản ổn định.

Khó khăn vẫn chực chờ

Cũng có cùng đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam 5 tháng qua, trong một báo cáo mới công bố về tình hình kinh tế Việt Nam tháng 5 và triển vọng sắp tới, HSBC đánh giá Việt Nam vẫn chưa vượt qua được tình thế khó khăn hiện tại và còn một chặng đường dài trước khi thấy được sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại. Mặc dù dữ liệu hoạt động kinh tế tháng 5 không xấu đi, Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu “chạm đáy” để bật trở lại trong bối cảnh nhiều khó khăn gia tăng cản trở tăng trưởng. Trong đó, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng là tình hình thị trường bên ngoài vẫn chậm.

Ngân hàng thế giới (WB) trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 5/2023 cũng đã nhận định, dù sản xuất công nghiệp có sự cải thiện nhẹ nhưng vẫn yếu. Nền kinh tế đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” từ bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu, tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.

Đáng chú ý, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa thực sự phục hồi, sự suy giảm đến từ nguyên nhân các doanh nghiệp chủ động giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất trong bối cảnh triển vọng xuất khẩu khó khăn và hàng tồn kho nguyên vật liệu ở mức cao (tồn kho ngành chế biến chế tạo quý 1/2023 tăng 19,8%); giá cả hàng hóa nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu; chi phí logistics còn cao khiến một số mặt hàng xuất khẩu (nông sản, lương thực…) của Việt Nam kém cạnh tranh hơn các quốc gia khác. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu khiến thặng dư thương mại tiếp tục tăng lên, đạt 9,8 tỷ USD (so với mức +7,6 tỷ USD trong 4 tháng – theo Tổng cục Hải quan), góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, nhưng ở chiều ngược lại cũng cho thấy sức cầu sản xuất còn yếu trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu chưa phục hồi.

Nhận diện được những khó khăn, của nền kinh tế, Chính phủ khi báo cáo Quốc hội mới đây cũng đã nhấn mạnh những rủi ro, thách thức của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. “Tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém”, báo cáo Chính phủ chỉ rõ. Tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, các đại biểu Quốc hội cũng đều nhấn mạnh những khó khăn của nền kinh tế và đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần sớm có các giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế, tận dụng thời gian phục hồi để tăng tốc tăng trưởng.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm có biểu hiện đan xen vừa tích cực, vừa tiêu cực. Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần có nhìn nhận bức tranh kinh tế khách quan và bình tĩnh để kiểm soát được tình hình, bắt bệnh đúng nguyên nhân. Khi đó, có phương thuốc điều trị để sức khỏe của nền kinh tế hồi phục nhanh chóng và có thể bứt phá những quý tiếp theo của năm nay.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/