Truy xuất nguồn gốc ngày càng quan trọng

 Đảm bảo chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm, hàng hóa, hay nói cách khác truy xuất nguồn gốc, là xu hướng chung được quan tâm nhiều hơn, thậm chí là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thay đổi tư duy, cách làm sẽ giúp doanh nghiệp chinh phục thị trường.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.

“Truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trong hoạt động kinh doanh quốc tế ngày càng quan trọng. Tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bất thành văn với hàng hoá nhập khẩu và trở thành thói quen của người tiêu dùng”, ông Vũ Bá Phú cho hay.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng cho biết, các doanh nghiệp đang có đơn hàng chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Australia cần đảm bảo việc hàng hóa đã đáp ứng các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học và chuẩn bị đầy đủ tài liệu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Australia; đảm bảo các thùng chứa hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ đúng yêu cầu, sạch sẽ để hạn chế các rủi ro sẽ ảnh hưởng tới tiến độ kiểm tra hàng hóa và đặc biệt là lưu tâm chất lượng sản phẩm.

Theo đại diện Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức tại Việt Nam (GIZ), bên cạnh kỳ vọng về tăng trưởng xuất khẩu, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó sản xuất xanh và minh bạch thông tin giúp khách hàng có thể đánh giá chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, gia tăng sự tin tưởng và sự ủng hộ của khách hàng đối với sản phẩm và doanh nghiệp. Thực tế, việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.

Dưới góc độ doanh nghiệp, việc chinh phục được thị trường yếu tố đảm bảo chất lượng sản phẩm giúp vượt qua tiêu chí khắt khe về nhập khẩu hàng hóa. Mới đây, khoảng 200.000 sản phẩm bánh dừa nướng thương hiệu Mỹ Phương Food đã chính thức xuất xưởng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của thành phố Đà Nẵng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Theo đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Food, để thuyết phục thị trường như Trung Quốc, sản phẩm cần qua quá trình thương lượng, kiểm định gắt gao suốt nhiều tháng để đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn và yêu cầu khắt khe về nhập khẩu hàng hóa. Với Trung Quốc, đơn vị phải thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm. Với Mỹ Phương Food, đây là lô hàng thăm dò tín hiệu thị trường và kỳ vọng với chuyến hàng này sẽ mở ra thêm cơ hội cho sản phẩm tiếp cận thị trường khổng lồ này.

Theo đại diện Công ty TNHH Green Powers (Bến Tre), trước những quy định mới của thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp luôn phải có sự đầu tư, nghiên cứu để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường. Một số thị trường đã có những thay đổi về việc sử dụng sản phẩm nhựa, nilon và lộ trình cấm sử dụng. Do vậy, công ty cũng phải từng bước thích nghi, thay đổi. Trong khâu đóng gói, doanh nghiệp đang nghiên cứu đưa một số vật liệu mới thân thiện với môi trường, để thay thế nilon và nhựa như: nghiên cứu màng bọc sinh học thay thế màng bọc nilon, ống hút sử dụng ống tre, cỏ… nhà máy đóng gói không sử dụng hoá chất, bảo quản.

Bên canh nhiều giải pháp từ nắm bắt thị trường, chủ động chuyển đổi từ các doanh nghiệp, các giải pháp tận dụng công cụ số đang được ứng dụng. Chẳng hạn như: Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại do Cục Xúc tiến thương mại chủ trì xây dựng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hình ảnh và thương hiệu của sản phẩm trên thị trường, cả nội địa và xuất khẩu. Theo ông Vũ Bá Phú, Hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại áp dụng công nghệ chuỗi khối là giải pháp chống hàng giả hàng nhái, đảm bảo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống cung cấp bộ giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân cập nhật thông tin về nguồn gốc sản phẩm gồm: thông tin chung, nhật ký điện tử trong quá trình canh tác, sản xuất chế biến, vận chuyển, phân phối…

Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, thời gian tới Cục sẽ làm việc với các tổ chức thế giới nhằm quảng bá, giới thiệu; đồng thời làm việc với các đối tác thương mại của Việt Nam để đảm bảo tính liên thông về dữ liệu và sự công nhận lẫn nhau. Hướng tới mục tiêu đảm bảo tính xác thực cao và lòng tin của người tiêu dùng khi sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/