Tìm giải pháp cho nông sản Việt thâm nhập sâu vào thị trường Hungary
Nông sản Việt Nam dù đã có mặt trên thị trường Hungary, tuy nhiên để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này không dễ dàng khi có quá nhiều thách thức đến từ khoảng cách địa lý, thói quen tiêu dùng và văn hoá kinh doanh khác biệt.
Còn nhiều dư địa
Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hungary, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 23/11, ông Phạm Văn Công – Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hungary – cho hay: Thương mại Việt Nam – Hungary những năm gần đây tăng trưởng nhanh chóng, bên cạnh sự đóng góp chủ yếu của nhóm hàng linh kiện điện tử, nông sản thực phẩm cũng là những mặt hàng tiềm năng. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hungary đã tăng gấp hơn 8 lần so với năm 2016, đạt 1 tỷ USD.
Phân tích về nhóm hàng nông sản, ông Phạm Văn Công cũng – chỉ ra: Dù giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam sang Hungary hiện vẫn thấp nhưng còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng kim ngạch. Cụ thể, mặt hàng cà phê chế biến của Việt Nam mới chỉ chiếm 12,6% thị phần tại Hungary, trong khi nhu cầu nhập khẩu nhóm hàng này khoảng 30-50 triệu USD/năm. Với mặt hàng gạo, nhu cầu tại thị trường Hungary là 40 triệu USD/năm, gạo Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ, chỉ 0,5%. Hạt tiêu, nhu cầu thị trường là 5 triệu USD/năm, Việt Nam hiện chiếm 18,7% thị phần tại quốc gia này.
Đặc biệt, mỗi năm Hungary nhập khẩu khoảng 300 triệu USD mặt hàng rau quả chế biến từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, ngành rau quả Việt Nam 7 đầu tháng 2021 xuất khẩu 565,3 nghìn USD sang thị trường này, thị phần của Việt Nam rất nhỏ cũng đồng nghĩa còn dư địa cho doanh nghiệp trong nước cạnh tranh, khai thác.
Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hungary, đối thủ cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường Hungary chủ yếu là các nước trong khu vực EU. Hàng hoá thường được nhập khẩu bởi các công ty cũng như trực tiếp từ các siêu thị lớn, sau đó được phân phối về bán tại các chuỗi siêu thị bán lẻ và cửa hàng thực phẩm … “Thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Hungary khá khác biệt. Tuy nhiên, người tiêu dùng sẵn sàng mua sản phẩm với giá cao nhưng phải đảm bảo an toàn và thể hiện được sự trung thực trong mỗi sản phẩm bán ra”, ông Phạm Văn Công nói.
Do còn nhiều dư địa, hàng hoá cũng như nông sản Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường Hungary. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU giúp hàng hoá Việt Nam có ưu thế về thuế trước các đối thủ cạnh tranh. Dù vậy, thị trường nông sản Hungary bị chi phối bởi các doanh nghiệp và hệ thống phân phối đa quốc gia. Doanh nghiệp Hungary hầu hết lấy hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam từ các đối tượng này và bán lại ra thị trường, rất ít nhập khẩu trực tiếp.
Một điểm bất lợi nữa, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Hungary quá xa, trong khi Hungary không có cảng biển. Hàng hoá trước khi sang đến Hungary đều cập cảng tại một số nước EU như Đức, Hà Lan sau đó đưa vào Hungary bằng đường bộ dẫn đến chi phí cao hơn. Thuế VAT tại Hungary cũng rất cao, tới 27% cũng là một trong những thách thức đáng kể cho nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường này.
Kinh nghiệm từ thực tế
Gia tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường Hungary rõ ràng là thách thức lớn, như lời ông Dương Đắc Dàng – Giám đốc Công ty Vimexco Import-Export Kft (doanh nghiệp có nhiều năm kinh doanh hàng nông sản, thực phẩm tại thị trường Hungary) khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Theo ông Dương Đắc Dàng, khó khăn đầu tiên là nông sản Việt Nam giá thành cao nhưng chất lượng sản phẩm không cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, sản phẩm chưa được nhận diện trên thị trường do chưa có nhãn hiệu, thương hiệu.
Do vậy, để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Hungary, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư nghiên cứu thói quen tiêu dùng, điều chỉnh khẩu vị sản phẩm cho phù hợp. Đầu tư cho công tác marketing, gia tăng sự nhận diện của sản phẩm trên thị trường. Cùng đó, do khoảng cách địa lý quá xa, vận chuyển hàng hoá hiện nay phải mất từ 6-7 tháng, hạn sử dụng của sản phẩm không còn nhiều, ảnh hưởng tới hoạt động bán hàng của nhà nhập khẩu, đây cũng là vấn đề doanh nghiệp sản xuất trong nước cần lưu ý.
“Cộng đồng người Việt tại Hungary tuy không quá lớn nhưng chủ yếu sinh sống bằng việc kinh doanh bán lẻ. Đây là một kênh thâm nhập thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam vào thị trường Hungary”, ông Dương Đắc Dàng bày tỏ.
Vấn đề được ông Phạm Ngọc Chu – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary đặc biệt nhấn mạnh là tính thời điểm. Do đặc tính hỗ trợ tăng cường sức khoẻ trước tác động của dịch Covid-19, một số sản phẩm gia vị của Việt Nam như sả, gừng, hạt tiêu đang được đặc biệt ưa chuộng. Một bó sả, 10 củ có thể bán được giá 10 USD. “Thời điểm này doanh nghiệp có thể phối hợp với nhà sản xuất mặt hàng gia vị đóng gói sản phẩm đúng quy chuẩn đưa hàng và có thể bán rất chạy tại thị trường Hungary”, ông Phạm Ngọc Chu nói.
Bên cạnh tính thời điểm, sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo các quy định về chất lượng, quy cách đóng gói, ngôn ngữ thể hiện trên bao bì mới có thể tiêu thụ. Cùng với các loại rau gia vị, người tiêu dùng Hungary đang chuyển mạnh từ tiêu dùng sản phẩm chế biến từ bột mỳ có hàm lượng đường cao sang sản phẩm có lượng đường thấp như một số loại gạo, hạt điều. Đây là những mặt hàng có khả năng thậm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Hungary.
Ngoài ra, khi bắt tay với nhà phân phối hàng hoá tại Hungary, doanh nghiệp trong nước phải đảm bảo nguồn cung liên tục, chất lượng ổn định và có thông điệp xuyên suốt tới khách hàng.
Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thông tin thị trường, ngành hàng, đối tác qua Internet và các tổ chức xúc tiến thương mại hai nước. “Điều quan trọng, trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp có thể yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại Hungary thẩm tra xác minh đối tác để giảm rủi ro trong kinh doanh”, ông Phạm Văn Công khuyến cáo.
Nguồn: congthuong.vn