Sắp diễn ra Lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt”

Từ ngày 28/4 đến 1/5/2022 tới đây, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt” hội tụ hơn 1.000 loại sản phẩm gia vị của Việt Nam từ khắp các vùng miền trên cả nước.

Thông tin tại họp báo Lễ hội “Tinh hoa gia vị Việt” và Tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn nhà kinh doanh” ngày 22/4, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) cho biết, Lễ hội Tinh hoa gia vị Việt nhằm tôn vinh “Gia vị Việt” khắp mọi miền đất nước – nguồn tài nguyên rất quan trọng của Việt Nam. Chương trình còn cập nhật bản đồ gia vị Việt, giúp các bạn trẻ, các nhà DN, các nhà nghiên cứu tiếp cận các thông tin mới nhất về gia vị Việt. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho gia vị, tăng cương cơ hội kinh doanh cho Gia vị Việt.

Đặc biệt, tại sự kiện có nhiều hoạt động ý nghĩa như: Giới thiệu các loại gia vị mới từ các vùng địa lý khắp đất nước, trong đó có sự tham gia của hơn 50 gian trưng bày của các DN chuyên về gia vị; những sáng kiến mới và công nghệ mới tạo giá trị gia tăng cho gia vị Việt, vị thế mới của gia vị Việt trên thị trường thế giới với các cơ hội thị trường mới… Đồng thời tạo kết nối các cơ hội thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm.

Lễ hội cũng là dịp để các chuyên gia, DN thảo luận các chuyên đề có gắn với xu hướng mới của ẩm thực thế giới: loại gia vị nào tốt cho xu hướng coi trọng thực phẩm tốt cho miễn dịch, cho dinh dưỡng… Các xu hướng thế giới về sử dụng gia vị chế biến thực phẩm, thảo dược hậu Covid.

“Phần bản đồ gia vị vùng miền, được gắn với từng địa phương, nơi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý (gia vị vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, miền Nam) theo chủng loại, gia vị đặc trưng vùng, gia vị là dược vị. Đặc biệt chú trọng giới thiệu các loại gia vị được cấp chỉ dẫn địa lý và OCOP để quảng bá, tăng sức hút”- bà Vũ Kim Hạnh nhấn mạnh.

Kinh tế gia vị phải trở thành ngành kinh tế lớn của Việt Nam

Trong khuôn khổ họp báo cũng diễn ra tọa đàm “Kinh tế gia vị từ góc nhìn nhà kinh doanh”.

Tại tọa đàm các chuyên gia, diễn giả đặt ra câu hỏi giải pháp nào, cách làm nào… để thúc đẩy gia vị Việt phát triển, trở thành một ngành kinh tế mạnh, đặt trong mối quan hệ giữa Nông nghiệp – Công nghiệp – Thương mại… Đồng thời, tập trung phân tích, chia sẻ những nội dung liên quan đến thị trường gia vị với cuộc chiến của những DN nước ngoài, đồng thời nhận định về xu hướng cũng như cơ hội cho các DN nội, đặc biệt là một số DN lớn của Việt Nam.

Ngành nông nghiệp và công nghiệp sản xuất gia vị và hương liệu của Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quan trọng cho thị trường thế giới. Với lợi thế địa lý trải dài trên nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có sự đa dạng sinh học để tạo ra được những sản phẩm gia vị chất lượng rất đặc trưng, khác biệt với những sản phẩm cùng loại trên thế giới.

Để gia tăng giá trị cho gia vị Việt, nhiều DN đầu tư dây chuyền, nhà xưởng đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn, cải thiện về chất lượng do được đầu tư trong tất cả các khâu, từ sản xuất tới thu hoạch, chế biến, bảo quản đóng gói. Những DN nội tập trung vào gia vị truyền thống, chuyển hướng về bán ở các kênh nhà hàng, quán ăn, khách sạn, phối hợp với các DN chế biến thực phẩm để xây dựng thị trường, xây dựng thương hiệu.

Tại tọa đàm các chuyên gia, diễn giả cũng nhìn nhận, việc gia vị Việt chưa xây dựng được thương hiệu mạnh nên giá bán chưa thể tương xứng với giá trị. Để thay đổi hiện trạng này thì phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi từng thương nhân và tất cả thương nhân cùng ý thức xây dựng. DN cần chú trọng việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình để tăng vị thế, uy tín của DN.

Nguồn: congthuong.vn