Tránh giảm thị phần nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc
Chia sẻ tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, diễn ra ngày 29/3, ông Phạm Khắc Tuyên- Trưởng cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cho hay: Cạnh tranh về giá mà không cạnh tranh về chất lượng sản phẩm sẽ làm giảm thị phần của cùng một mặt hàng nông sản Việt Nam tại Hàn Quốc.
Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng nhấn mạnh, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam. Ông phân tích, với dân số khoảng 51 triệu người, thu nhập bình quân 35.000 USD/người/năm. Năm 2021 Hàn Quốc nhập khẩu 40 tỷ USD mặt hàng nông, thuỷ sản, trong khi đó thị phần mặt hàng này của Việt Nam tại Hàn Quốc khoảng 3,2%, với 3,8 tỷ USD.
“So sánh các con số trên có thể thấy dung lượng thị trường cho nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc là lớn. Tuy nhiên, làm thế nào để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với mặt hàng cùng loại xuất xứ từ các quốc gia đã xuất khẩu và năng lực cạnh tranh cao như Trung Quốc, Mỹ, New Zealand là câu chuyện cần bàn”, ông Phạm Khắc Tuyên nói.
Có kinh nghiệm nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến từ Việt Nam vào Hàn Quốc, ông Nguyễn Văn Thảo- Giám đốc Công ty Good Farmers, chia sẻ: Hàn Quốc không bắt buộc nhà sản xuất phải nuôi, trồng sản phẩm với tiêu chuẩn nào. Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe trong việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh và kháng sinh. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam bị “rối” ở vấn đề này.
Mặt khác, nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là hàng thô, tươi hoặc sấy có giá trị không cao. Hơn nữa, rủi ro về uy tín sản phẩm cao. “Đã có doanh nghiệp xuất khẩu nhãn Hưng Yên với chất lượng thấp sang Hàn Quốc, tạo ấn tượng xấu cho người tiêu dùng, làm khó cho doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Thảo ví dụ.
Để hàng Việt Nam chắc chân tại thị trường Hàn Quốc, theo ông Thảo, với mặt hàng rau củ, trái cây, doanh nghiệp nên kiểm tra các chỉ số chất lượng tại Việt Nam để tránh rủi ro; Chủ động tham gia hội chợ chuyên ngành tại Hàn Quốc để tìm hiểu nhu cầu và đáp ứng một cách chính xác. Ông cũng đề xuất, Bộ Công Thương, Hải quan Việt Nam có biện pháp kiểm tra doanh nghiệp, hàng hoá, không để sản phẩm kém chất lượng xuất khẩu, ảnh hưởng tới uy tín của hàng Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đinh Văn Cường- Giám đốc Công ty Vinaka, lưu ý: Thị trường Hàn Quốc đúng là rất tiềm năng nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe. Đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật là điều kiện cần thiết để hàng Việt Nam vào được thị trường này.
Về mặt sản phẩm, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đồng đều, giá thành ổn định, giữ uy tín trong phương thức thanh toán để tạo niềm tin với đối tác. Chú ý sâu tới mẫu mã, quy cách bao bì đóng gói. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, còn cần sự trợ sức của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhập khẩu để hàng Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc một cách hiệu quả nhất.
Tại phiên tư vấn, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng nêu những thông tin cơ bản về thị trường tiêu dùng Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già.
Tiếp đến xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG. Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.
“Để bán được hàng sang Hàn Quốc, sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài”, ông Phạm Khắc Tuyên nhấn mạnh.
Tư vấn cho các doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trưởng Thương vụ Việt Nam, bày tỏ: Doanh nghiệp xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào. Cụ thể, mặt hàng cà phê, hạt tiêu đã hiện diện tại Hàn Quốc, xuất khẩu thêm sản phẩm này bên cạnh phải cạnh tranh với hàng nước ngoài, còn phải cạnh tranh với cả hàng Việt.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nhau về giá, không cạnh tranh về chất lượng, nhìn tổng thể thị phần hàng Việt sẽ giảm tại Hàn Quốc. Do vậy, cần có chiến lược sản phẩm tốt để đưa vào thị trường và làm cho “miếng bánh” thị phần của hàng Việt lớn hơn.
Nguồn: congthuong.vn