Tôn vinh nữ lao động ngành dệt may
Năm 2021, có 10 nữ cán bộ, công nhân, viên chức (CBCNV), người lao động (NLĐ) đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen lần thứ III do Công đoàn Dệt may Việt Nam (DMVN) tổ chức. Đây là những nữ CBCNV, NLĐ tiêu biểu được bình chọn trên cơ sở xét duyệt 20 hồ sơ của các cá nhân xuất sắc do các công đoàn cơ sở đề cử.
Theo lãnh đạo Công đoàn DMVN, để được xét duyệt, CBCNV, NLĐ nữ phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định trong Quy chế xét tặng “Giải thưởng Nguyễn Thị Sen” hàng năm. Cụ thể, nữ CBCNV, NLĐ hăng hái trong lao động sản xuất, tích cực tham gia hoạt động công đoàn; là tấm gương tiêu biểu trong tu dưỡng, công tác; chủ động sáng tạo trong công việc, lan tỏa được những phương pháp hay, những cách làm hiệu quả trong tập thể… Tuy nhiên, năm nay, đối với nhóm đối tượng nữ lãnh đạo quản lý và cán bộ công đoàn có thêm một số tiêu chí như: Có các giải pháp hiệu quả, mô hình hữu ích đẩy lùi Covid-19; công tác chăm lo cho NLĐ trong thời gian dịch bệnh…
Một trong những điểm nổi bật của những người đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen là họ luôn chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp cùng nâng cao tay nghề. Chị Lê Thị Mai Anh làm việc tại Nhà máy May Đồng Văn – Tổng công ty Dệt may Hà Nội là một người như vậy. Gắn bó với ngành may 27 năm, chị Mai Anh được đồng nghiệp quý trọng bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm với công việc.
Là tổ trưởng sản xuất chị luôn quan tâm đến tay nghề của NLĐ. Công nhân lao động (CNLĐ) mới vào nghề sau khi được chị kèm cặp, hướng dẫn đều có khả năng sử dụng được nhiều loại máy, may được nhiều công đoạn. Mặc dù có kinh nghiệm nhưng chị Mai Anh vẫn luôn không ngừng rèn luyện tay nghề, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, đặc biệt là cuộc thi thợ giỏi các cấp.
Giống như chị Mai Anh, chị Hoàng Ngọc Lanh hiện đang là tổ trưởng chuyền 11 của Công ty May 1 – Tổng công ty Dệt may Nam Định được lãnh đạo tin tưởng giao thêm phụ trách “Xưởng may Thanh niên” của tổng công ty từ những ngày đầu thành lập (tháng 3/2018). Từ xưởng may này, trung bình mỗi năm có khoảng 50 CNLĐ được chị đào tạo và nhanh chóng trưởng thành. Bên cạnh đó, chị còn giúp đỡ, hỗ trợ CNLĐ tay nghề còn yếu, giúp họ hoàn thiện kỹ năng và đáp ứng yêu cầu công việc, đưa chuyền sản xuất số 11 thường xuyên dẫn đầu trong tổng công ty về năng suất, chất lượng và tiến độ giao hàng…
Lãnh đạo Công đoàn DMVN cho biết, trong 10 người đạt Giải thưởng Nguyễn Thị Sen năm nay, mỗi CBCNV, NLĐ đều không chỉ làm tốt nhiệm vụ ở vị trí công việc của mình, mà còn thực sự là điểm tựa cho NLĐ trong đơn vị. Tiêu biểu như chị Trần Thị Thanh Phượng- Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Việt Thắng. Chị Phượng có sáng kiến thành lập cửa hàng tiện ích, xây dựng thiết chế văn hóa; trích nguồn kinh phí tích lũy, tiết kiệm của công đoàn để mua cổ phần công ty, rồi lấy cổ tức để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.
Đặc biệt, trong thời gian đầu TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm các mặt hàng thiết yếu khan hiếm, giá cả leo thang, chị Phượng đã cùng anh chị em trong Ban Chấp hành công đoàn cơ sở “Đi chợ hộ công nhân” giúp NLĐ có thực phẩm an toàn, tiết kiệm, đồng thời giúp họ yên tâm công tác trong những ngày dịch dã. Mô hình này đã được lan tỏa trong toàn hệ thống, được nhiều doanh nghiệp phía Nam áp dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho CNLĐ.
Nguồn: congthuong.vn