Hoàn thiện hệ thống pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp khí
Đó là nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị “Kinh doanh khí: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường” tổ chức tại Hà Nội sáng 30/11.
Còn nhiều bất cập trong hệ thống quy phạm pháp luật
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ những vấn đề liên quan đến xăng dầu, khí lại “nóng” như hiện nay. Hiện nay, tại Việt Nam, giá xăng dầu thành phẩm, giá gas, khí tăng liên tục với mức độ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng xăng dầu cũng như khí như một nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
“Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương quan tâm đặc biệt đến vấn đề này bởi một mặt đó là nhiệm vụ chính trị, mặt khác, đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW để Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra mục tiêu “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững…; Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Căn cứ Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Theo đó, Đề án đã đưa ra cụ thể mục tiêu đối với thị trường khí “Từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG”. Đồng thời, xác định rõ lộ trình phát triển thị trường khí trong giai đoạn 2021-2025: “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng”.
Thống kê của Vụ Dầu khí và Than – Bộ Công Thương cho thấy, hiện nay, hằng năm, sản lượng khí khai thác trong nước khoảng 9 – 10 tỷ m3/năm, trong đó 85% cung cấp cho các nhà máy điện; 11% cung cấp cho các nhà máy đạm; 4% cung cấp cho các hộ tiêu thụ khác. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ LPG hàng năm tại Việt Nam vào khoảng 2,2 – 2,3 triệu tấn, chủ yếu phục vụ nhu cầu dân dụng và thương mại.
Ông Đặng Hải Anh – Trưởng Phòng Dầu khí (Vụ Dầu khí và Than) cho biết thêm, định hướng chính sách phát triển công nghiệp khí tại Việt Nam là phải xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi trình Quốc hội xem xét phê duyệt; nhằm hoàn thiện khung pháp lý; xây dựng, hoàn thiện Chiến lược năng lượng quốc gia, Quy hoạch năng lượng quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; triển khai nhiệm vụ được giao đối với thị trường khí tại Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn 2045; hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực LNG; xây dựng, hoàn thiện các khung pháp lý về cơ chế, chính sách đối với thị trường khí, đặc biệt là giá khí cho sản xuất điện.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh khí được điều chỉnh theo các quy định tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ về kinh doanh khí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình xây dựng và triển khai, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP đặt ra và đạt được một số mục tiêu như: Bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Bên cạnh đó, gỡ bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, đưa ra các điều kiện kinh doanh rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường khí Việt Nam còn một số tồn tại như một số quy định chưa thống nhất và rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của của các loại hình thương nhân như: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí. Bên cạnh đó, chưa quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể về các loại hình kinh doanh khí thuộc hệ thống phân phối. Tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG bị chiếm dụng, cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra lưu thông trên thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng…
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Minh Loan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An pha – chia sẻ, hiện nay còn có các trường hợp thiếu sự hợp tác kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, lừa lọc, thất hứa với nhau, còn có những doanh nghiệp kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận, lợi ích cá nhân, lợi ích của doanh nghiệp, có những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây thiệt hại về kinh tế, về tài sản, về uy tín của doanh nghiệp khác. Cụ thể như một số hành vi: Chiếm đoạt chai LPG của chủ sở hữu chai LPG: cắt tay xách, mài vỏ chai, hoán cải chai thành chai của mình; Chiếm dụng chai LPG để san chiết trái pháp luật vào chai của chủ sở hữu; Vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín trong san chiết LPG, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa; Liên kết với nhau nhằm hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác…
Đồng ý kiến về vấn nạn cắt tai, mài vỏ, chiếm dụng vỏ bình, bà Nguyễn Thị Hạnh – Công ty TNHH Total Gaz Việt Nam – nhấn mạnh: “Hiện mỗi cơ quan quản lý tại các địa phương lại tiến hành xử phạt vi phạm hành chính bên vi phạm căn cứ vào các quy định pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường khí
Ghi nhận Nghị định 87 đã có nhiều sửa đổi phù hợp, đóng góp tích cực vào việc xây dựng thị trường khí minh bạch, phát triển, song ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, thời gian tới, phải quy định rõ đối tượng thương nhân; quy định hệ thống phân phối rõ ràng hơn. Vấn đề chiếm dụng chai gas cũng cần phải được quan tâm đặc biệt.
Nhằm xây dựng thị trường khí lành mạnh, phát triển trong thời gian tới, từ góc độ doanh nghiệp, ông Trần Minh Loan cho biết, các cơ quan chức năng cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh LPG và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm một cách đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nhiệp.
“Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan kiểm tra, xử lý với Hiệp hội, với doanh nghiệp để kịp thời phát hiện, xử lý, giải quyết những khó khăn, bất cập để thị trường kinh doanh gas lành mạnh, phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập với khu vực và toàn cầu” – ông Loan nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hạnh đề xuất tăng mức phạt, bổ sung điều phạt trạm chiết, xử lý nghiêm và đúng quy định pháp luật đối với hành vi chiết nạp lậu, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, niêm mảng co, tem chống giả, bao bì hàng hóa. Nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm thì phải bị xử lý theo Điều 192 Bộ luật hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chứ không phải là tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính và vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí hoạt động lén lún trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần thống nhất xây dựng quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục trả lại chai LPG cho chủ sở hữu; hướng dẫn rõ loại hồ sơ nào doanh nghiệp cần cung cấp để chứng minh quyền sở hữu chai LPG một cách hợp lý…
Ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về thị trường khí. Theo đó, định hướng đầu tiên là xây dựng đồng bộ các loại hình thương nhân kinh doanh. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh một số loại hình thương nhân có hoạt động kinh doanh khí trên thị trường, đảm bảo gắn với từng khâu trong chuỗi kinh doanh khí từ sản xuất, nhập khẩu đến tay người tiêu dùng.
Thứ hai, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các loại hình thương nhân kinh doanh khí Quy định quyền và nghĩa vụ của các thương nhân kinh doanh khí phải đáp ứng yêu cầu: rõ ràng, khả thi, dễ thực hiện và phù hợp với nguồn lực của thương nhân kinh doanh khí. Đồng thời, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh khí.
Thứ ba, tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ kinh doanh LPG chai và chai LPG nhằm hạn chế tình trạng chiếm dụng chai LPG, chiết nạp LPG lậu, cung cấp LPG chai giả.
Nguồn: http://www.moit.gov.vn