Thị trường hàng hóa phía Nam tiếp tục ổn định dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp

Theo Tổ công tác đặc biệt các tỉnh phía Nam của Bộ Công Thương, diễn biến dịch Covid-19 tại nhiều địa phương vẫn rất phức tạp. Dù vậy, thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa vẫn được bảo đảm.

Tại TP HCM: Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày hôm nay 02/12, đã có 184/234 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 78,6%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân. Đối với công tác mở lại Chợ Đầu mối, đến nay đã có 02/3 chợ đầu mối đã hoạt động lại là chợ đầu mối Bình Điền và chợ đầu mối Hóc Môn; riêng tại Chợ đầu mối Thủ Đức vẫn tiếp tục duy trì việc tập kết, trung chuyển hàng hóa.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 01/12 và sáng 02/12 tăng 9,9%, ước đạt 8.846,5 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày đạt 1.400 tấn. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày(không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại); Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 02/12 tăng 3,9% so với ngày 01/12, ước đạt 3.848,6 tấn/đêm.

Sáng ngày 02/12/2021, UBND TP HCM phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2021. Trong khuôn khổ Hội nghị có 16 Sở Công Thương các tỉnh, thành tham dự trực tiếp; Bộ Công Thương và 29 Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành tham gia trực tuyến tại nhiều điểm cầu. Bên cạnh đó, có 28 tỉnh, thành tham gia triển lãm tại 500 gian hàng trực tiếp; 20 tỉnh, thành tham gia triển lãm 92 gian hàng thực tế ảo.

Hội nghị năm nay được ngành công thương TP HCM tổ chức linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh và những quy định nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kết nối cung cầu; tổ chức phương án triển lãm thực tế ảo, kết nối trực tuyến, nâng cấp website www.ketnoicungcau.vn để hướng đến khai thác lâu dài, thường xuyên và liên tục. Phát huy đa dạng giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung cầu, Sở Công Thương TP HCM phối hợp với các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Alibaba và Amazon tổ chức Hội thảo “Giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử” và Hội thảo “Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại”…

Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Hội nghị  sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kết nối trực tuyến, tạo nguồn hàng đa dạng cho các doanh nghiệp để phục vụ người dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới.

Tại tỉnh Bình Dương: Tính đến ngày 02/12/2021, trên địa bàn tỉnh hiện có 70/97 chợ truyền thống (đạt 72%), 11/11 siêu thị (đạt 100%), 221/221 cửa hàng tiện lợi (đạt 100%) còn hoạt động. Hệ thống các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 6149/KH-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh về việc Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, tổng giá trị hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường trong năm 2022 ước khoảng 5.576 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng chống dịch), riêng trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 khoảng 2.042 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Phước: Tiếp tục thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động của các doanh nghiệp phân phối, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường trên cơ sở tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương tùy theo cấp độ dịch, bệnh. Việc đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đối với những địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 luôn được duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, không có hiện tượng người dân tập trung đi mua sắm.

Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động bình thường (riêng chợ Đồng Xoài hiện tạm thời ngưng hoạt động để nâng cấp, sửa chữa), lượng hàng hóa trong và ngoài tỉnh lưu thông ổn định đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

Tại hệ thống (02) siêu thị Co.opmart, 68 cửa hàng Bách Hóa Xanh lượng hàng hóa cung ứng vẫn tiếp tục dồi dào, ổn định, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá góp phần vào việc ổn định thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ người dân.

Tại tỉnh Tây Ninh: Trên địa bàn tỉnh hiện có có 100/108 chợ đang hoạt động (có 08 chợ tự phát ngừng hoạt động); 11 siêu thị, 73 cửa hàng Bách Hóa Xanh; 01 Trung tâm thương mại; 91cửa hàng tiện lợi và hơn 5.782 cửa hàng tạp hóa, thực phẩm chuyên doanh. Hầu hết các hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hoá này hoạt động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp, số ca mắc mới trong những ngày gần đây không giảm nên một số khu vực có nguy cơ rất cao đã tổ chức cho người dân trên địa bàn đi chợ mua mặt hàng thiết yếu phân chia theo ngày giờ và ngày chẳn lẻ. Đối với những khu phong tỏa thì phân công cho tổ phụ nữ, dân quân hỗ trợ chăm sóc người nhiễm đi chợ hộ.

Tại tỉnh Đồng Tháp: Từ ngày 20/10/2021 đến ngày 01/12/2021, các chợ, Trun tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi khôi phục hoạt động tăng từ 199 đơn vị (Siêu thị,TTTM: 8/8; Cửa hàng tiện lợi: 53/53; Chợ: 138/182) lên 235/243 đơn vị (tăng 36 chợ), đạt 96,71% (Siêu thị, TTTM: 8/8; Cửa hàng tiện lợi: 53/53; Chợ:174/182), hiện còn 08 chợ tạm ngưng hoạt động.

Ngày 01/12/2021, tình hình cung ứnghàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và các chợ truyền thống vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú, giá cả nhiều mặt hàng vẫn ổn định so với ngày hôm qua. Trên địa bàn Tỉnh không xảy ra tình trạng sốt hàng, tăng giá đột biến làm bất ổn thị trường, không có tình trạng tích trữ, đầu cơ, găm hàng.

Tại các tỉnh, thành phía Nam khác: Nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh không có biến động bất thường, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm.

Nguồn: http://www.moit.gov.vn