Sau nửa năm sụt giảm, xuất khẩu mặt hàng nào sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng trở lại?

Tháng 6/2023 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) nửa đầu năm nay đạt 280 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ.

Tháng 6/2023 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 16% đạt 67 triệu USD. Kể từ tháng 3 năm nay, tốc độ sụt giảm trong từng tháng cũng đã thu hẹp dần.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông, tôm chân trắng chiếm 54,9%, tôm sú chiếm 25,3%, còn lại là tôm khác.

6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng lần lượt 1% và 30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng mạnh nhất 66%; xuất khẩu tôm sú chế biến và tôm sú nguyên liệu đông lạnh tăng lần lượt 55% và 29%; xuất khẩu tôm khô tăng mạnh 3 con số với 583%.

Trung Quốc và Hồng Kông chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh (mã HS 03) từ Việt Nam, chiếm tới 97% tỷ trọng.

Nửa đầu năm 2023, giá trung bình tôm chân trắng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dao động từ 4,9-7,9 USD/kg. Trong khi giá trung bình tôm sú của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này dao động từ 8,2-13,8 USD/kg.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch Covid-19.

Ecuador là nhà cung cấp tôm lớn nhất của Trung Quốc với 362.000 tấn, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ấn Độ và Argentina có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Nhập khẩu tôm vào Trung Quốc từ Ấn Độ tăng 31% và Argentia tăng 270% trong nửa đầu năm nay 2023 lần lượt là 60.700 tấn và 17.700 tấn. Tuy nhiên, các sản phẩm từ các nguồn cung này chủ yếu là tôm bỏ đầu, sơ chế và tôm đỏ đánh bắt tự nhiên nên có giá cao hơn so với Ecuador.

Nửa đầu năm nay, thách thức đối với tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đó là sau khi bỏ chính sách “Zero Covid”, lượng tôm từ Ecuador đổ vào lớn, các địa phương có dân số đông như Quảng Đông, Phúc Kiến… tăng mạnh nhập tôm từ Ecuador. Điều này tạo áp lực lên tôm Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi Ecuador đẩy mạnh xuất hàng tồn kho giá rẻ kèm với việc thu hoạch bị hạn chế bởi thời thời tiết thì nguồn hàng của nước này trong những tháng cuối năm sang Trung Quốc sẽ giảm bớt.

Nhu cầu thị trường Trung Quốc nửa cuối năm nay dự kiến vẫn tốt nên dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc nửa cuối năm nay vẫn sẽ khả quan hơn nửa đầu năm.

Nguồn: https://congthuong.vn/