Xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp chủ lực nào đã giảm hơn 41 tỷ USD?

Tính từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 236,81 tỷ USD, giảm 14,8%.

Mức suy giảm này tương ứng với mức giảm 41,19 tỷ USD so với cùng kỳ 2022.

Với kết quả trên, các doanh nghiệp FDI chiếm 68,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm của cả nước (cả nước giảm 60,15 tỷ USD).

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 7 (1-15/7) đạt 10,01 tỷ USD, giảm 12,6% tương ứng giảm 1,44 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 6/2023.

Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 130,36 tỷ USD, giảm 11,3%, tương ứng giảm 16,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 7 đạt 7,85 tỷ USD, giảm 2,2% (tương ứng giảm 179 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 6/2023.

Tính đến hết ngày 15/7/2023, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 106,44 tỷ USD, giảm 18,71% (tương ứng giảm 24,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 64,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Tình hình xuất khẩu sụt giảm là tình hình chung của các khối doanh nghiệp. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI là lực lượng sản xuất chính các mặt hàng như điện thoại và linh kiện, máy tính và linh kiện, dệt may… Đây đều là những mặt hàng gặp khó khăn trong những tháng đầu năm do nhu cầu sụt giảm trên thị trường thế giới.

Tính từ đầu năm đến 15/7, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 343,65 tỷ USD.

Trong đó xuất khẩu đạt 178,45 tỷ USD, giảm 22,95 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu chỉ đạt 165,2 tỷ USD, giảm mạnh tới 37,2 tỷ USD. Cán cân thương mại đạt thặng dư 13,25 tỷ USD.

Như vậy, từ đầu năm đến 15/7, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước sụt giảm 60,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Về cán cân thương mại, từ đầu năm đến 15/7, các doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 24 tỷ USD.

Thực tế cũng cho thấy, xuất siêu của Việt Nam liên tục được cải thiện trong gần 10 năm qua là nhờ sự đóng góp đáng kể của khu vực doanh nghiệp FDI. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam (chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo) đã làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực. Nhóm hàng công nghiệp chế biến là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp này, chiếm khoảng 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung và xuất nhập khẩu của khối FDI nói riêng đã liên tục sụt giảm. Dự báo, tình hình khó khăn của xuất nhập khẩu sẽ còn kéo dài đến năm 2024.

Nguồn: https://congthuong.vn/