Xuất khẩu sang Mexico: Dư địa lớn nhờ CPTPP

Mặc dù, Việt Nam liên tiếp xuất siêu sang thị trường Mexico, nhưng thị phần hàng hóa xuất khẩu tại thị trường này mới chỉ đạt 1,3%. Do đó, còn nhiều dư địa để hàng hóa Việt Nam tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu thông qua việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu trong khối CPTPP

Số liệu từ Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mexico năm 2020 vẫn đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, tổng kim ngạch hai chiều đạt 3,68 tỷ USD, tăng 6,12% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt 3,16 tỷ USD, tăng 11,73% và nhập khẩu đạt 523 triệu USD, giảm 18,58%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mexico tiếp tục được duy trì qua nhiều năm và đây là một trong số ít những thị trường ở khu vực mà Việt Nam xuất siêu hơn 2 tỷ USD/năm.

8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương với Mexico tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 3,24 tỷ USD, tăng 36,08% so với cùng kỳ năm 2020, đưa nước này trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và lớn thứ 4 tại khu vực châu Mỹ (chỉ sau Hoa Kỳ, Canada và Brazil). Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,92 tỷ USD, tăng 43%. Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu sang khối thị trường các nước trong CPTPP đối với hàng hóa của Việt Nam.

Mặc dù đạt kết quả tích cực, song theo đánh giá của Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này mới chỉ đạt 1,3%, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục gia tăng xuất khẩu hàng hóa, nhất là khi Việt Nam và Mexico đều là thành viên của Hiệp định CPTPP.

Tiếp cận thị trườnghiệu quả

Với CPTPP, Mexico cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ ngày 14/1/2018, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Với những ưu đãi thuế quan dành cho Việt Nam cao như vậy, hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường này. Ông Lưu Vạn Khang – Tham tán thương mại Việt Nam tại Mexico – cho biết, Mexico là thị trường đầy tiềm năng cho thủy sản Việt. Hàng năm, Mexico nhập khẩu khoảng 351 triệu USD cá đông lạnh.

Hiện, sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính sang thị trường Mexico là cá tra và cá ngừ. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có thể nói, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ hiệp định này. Bên cạnh thủy sản, mặt hàng gạo, dệt may, da giày… cũng có nhiều cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường này.

Theo bà Nguyễn Sơn Trà – Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại (Vụ Chính sách thương mại đa biên), các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này cần nắm bắt thị hiếu, cũng như nhu cầu để lựa chọn sản phẩm và phương thức quảng bá phù hợp. Cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tại Kỳ họp lần thứ III Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mexico mới đây, hai bên đã thống nhất tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc thực thi Hiệp định CPTPP, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tiếp cận thị trường và tận dụng các ưu đãi của Hiệp định.

Nguồn: congthuong.vn