Chưa đặt vấn đề tiếp tục ưu đãi lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Tại Báo cáo gửi Thủ tướng về việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.
Giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước chỉ là giải pháp ngắn hạn
Theo Bộ Tài chính, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất kinh doanh trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, DN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 để giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020); Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 để tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).
Từ ngày 1/6/2022, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022, theo đó mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu LPTB đối với ô tô cùng loại.
Việc điều chỉnh giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, DN thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký sở hữu xe, kích thích tiêu dùng… từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho biết, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Đã có ý kiến cho rằng, chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư.
Chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Do vậy, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu LPTB thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc giảm mức thu LPTB như một khoản trợ cấp của Chính phủ và có thể phải giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cho biết, ngay từ khi xây dựng Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, tại các báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp đều chỉ ra rằng, chính sách này mặc dù chỉ là tạm thời, nhưng có thể coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Chính vì vậy, khi trình Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đều nêu rõ nếu áp dụng chính sách này thì chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Chưa đặt vấn đề tiếp tục ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 7/3/2023 của Chính phủ về Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2023 thì kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Đồng thời, hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, do đó, theo Bộ Tài chính việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.
Cũng theo Bộ Tài chính, các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) và Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa qua cũng đã có văn bản đề xuất giảm 50% LPTB đối với cả ô tô nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước. Bộ Tài chính khẳng định, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu. Song, điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu NSNN, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương.
Trong năm 2023, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, trước mắt, Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất năm 2023; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023… Theo đó, các DN trong lĩnh vực ô tô cũng đều được hưởng chính sách này. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị trong bối cảnh hiện nay chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đối với đề nghị tiếp tục gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất thời gian áp dụng không nên kéo dài. Trường hợp áp dụng, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng như tại Nghị định số 32/2022/NĐ-CP.
Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9/2022 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chậm nhất là ngày 20/11/2023. Với phương án này, tổng số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn 10.400 tỷ đồng – 11.200 tỷ đồng.
Trong trường hợp Chính phủ cho phép, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/