Chuẩn bị kỹ phương án phân phối hàng hóa khi các địa phương nới lỏng giãn cách

Dự kiến thời gian tới, một số địa phương sẽ nởi lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là tìm giải pháp giảm áp lực lên hệ thống phân phối để vừa cung ứng hàng hóa ổn định cho người dân, vừa đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.

Miền Nam: Chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho giai đoạn mở cửa trở lại

Dự kiến từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách, cho phép mở lại một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chí bảo đảm phòng chống dịch Covivd-19, nhu cầu đi lại, mua sắm trực tiếp của người dân sẽ tăng lên.

Để giảm áp lực cho hệ thống phân phối hiện đại trong thời gian tới, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp các Sở ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động trở lại các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn, đồng thời đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động có kế hoạch và xây dựng phương án hoạt động các chợ truyền thống.

Hiện nay, tình hình cung ứng hàng hoá tại Thành phố tiếp tục ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Nguồn cung hàng hóa tương đối đầy đủ, được phân phối thông qua hệ thống 106 siêu thị (không có siêu thị đóng cửa), 2.831 cửa hàng tiện lợi và 15 chợ truyền thống đang hoạt động. Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại 03 chợ đầu mối vẫn duy trì hoạt động. Tại các địa bàn “vùng xanh” như Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ đã tổ chức cho người dân đi chợ 1 lần/tuần theo đúng kế hoạch. Nhu cầu đặt hàng và lượng hàng hóa cung ứng cho người dân thông qua mô hình “đi chợ hộ” đang có xu hướng giảm dần (nhu cầu đăng ký trong ngày 26/9 là 45.180 lượt hộ, giảm 4,7% so với ngày 25/9 và giảm 11,7% so với ngày đầu triển khai chương trình 23/8).

Còn tại Bến Tre, toàn tỉnh Bến Tre thực hiện tinh thần Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 00 giờ ngày 27/9/2021 (trừ các khu vực phong tỏa), đồng thời có bổ sung biện pháp tăng cường phù hợp với tình hình phòng, chống dịch của tỉnh trong tình hình hiện nay. Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, các chợ truyền thống, các điểm kinh doanh hàng hóa dần hoạt động trở lại bình thường.

Người mua và người bán thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của ngành y tế. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Việc thu mua, vận chuyển nông sản từng bước ổn định trở lại do các vựa trái cây, nông sản trở lại hoạt động. Sở Công Thương Bến Tre cũng đã chủ động đăng ký tham gia thành viên các chuỗi kết nối tiêu thụ nông sản với Thành phố Hồ Chí Minh (Chợ đầu mối Bình Điền, Chợ đầu mối Thủ Đức, Chợ đầu mối Hóc Môn…).

Khu vực miền Bắc và miền Trung: Tiếp tục ổn định thị trường hàng hóa

Tại Thành phố Hà Nội, ngày 27/9/2021, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3242/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Thành phố thực hiện cho phép thực hiện một số hoạt động như thể dục, thể thao ngoài trời, trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về), cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm trong điểu kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh theo quy định. Thị trường trên địa bàn tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ đóng cửa (gồm 19/449 chợ, giảm 16 so với ngày hôm trước).

Còn tại tỉnh Hà Nam, ngày 27/9, tình hình thị trường giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh có xu hướng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Riêng tại Thành phố Phủ Lý, giá cả một số mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng giảm trở lại sau khi tăng mạnh cục bộ vào tuần trước, tuy nhiên, tại một số điểm bán lẻ, giá vẫn tăng nhẹ khoảng 10%-25% so với thời điểm trước khi có dịch. Tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn, giá cả vẫn ổn định.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giá cả hàng hóa ổn định, không có biến động bất thường, các quầy hàng tại các chợ thực hiện niêm yết giá hàng hóa. Số lượng điểm bán hàng thực phẩm tại các điểm container tiếp nhận từ Công an Thành phố ngày 27/9 là 13 điểm (Sở Công Thương dự kiến duy trì các điểm bán này đến ngày 30/9).

Ngày 27/9, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Nguồn: congthuong.vn