Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Liên quan đến chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã đề xuất gia hạn 4 tháng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, dự kiến số thuế gia hạn khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang giảm dần
Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, liên tiếp 3 năm từ năm 2020 -2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020, Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 4/12/2021 và Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 quy định thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với thời gian gia hạn cụ thể nhằm hỗ trợ và phục hồi sản xuất kinh doanh do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kết quả, tính đến ngày 15/3/2023, có tổng số 12 doanh nghiệp nộp đơn đề nghị gia hạn. Tổng số tiền được gia hạn thuế TTĐB theo tờ khai là 9.603 tỷ đồng. Tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước là 8.871 tỷ đồng; số còn phải nộp vào ngân sách nhà nước là 731 tỷ đồng.
Thông tin về số thuế TTĐB đã nộp tháng 1/2023 của 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính cho biết, tổng số thuế TTĐB phải nộp là 1.024 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế đã nộp là 1.008 tỷ đồng, số tiền thuế còn phải nộp là 15,9 tỷ đồng.
Về việc tiếp tục gia hạn thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023, tại báo cáo này, Bộ Tài chính làm rõ ưu, nhược điểm của hai trường hợp không gia hạn và gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đối với trường hợp không gia hạn, ưu điểm sẽ giúp Việt Nam đảm bảo tuân thủ các quy định về đối xử quốc gia của WTO và các FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là thị trường sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thể sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức như UBND tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình và Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đề cập (lãi suất ngân hàng tăng, hạn mức tín dụng thấp phát sinh trong quý 4/2022 và những dự đoán về tình hình khó khăn đối với thị trường tài chính, tín dụng trong năm 2023).
Việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là cần thiết
Hiện nay, trên cả nước có tổng cộng 12 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trải qua quãng thời gian dịch bệnh bùng phát với nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự hỗ trợ đúng đắn thông qua chính sách của Chính phủ mà ngành công nghiệp ô tô trong nước đã phục hồi mức tăng trưởng và doanh số năm 2022 vượt năm 2019.
Tuy nhiên, căn cứ số liệu kê khai của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, sản lượng và số thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang giảm dần. Cụ thể, từ tháng 10/2022 sản lượng kê khai là 25.571 xe với số thuế TTĐB tương ứng là 3.884 tỷ đồng; tháng 11/2022 sản lượng kê khai là 23.658 xe với số thuế TTĐB tương ứng là 3.412 tỷ đồng, giảm 472 tỷ đồng so với tháng trước; tháng 12/2022 số thuế TTĐB phát sinh là 3.218 tỷ đồng, giảm 194 tỷ đồng so với tháng trước.
Tháng 1/2023 số thuế TTĐB phát sinh là 1.442 tỷ đồng, giảm 1.776 tỷ đồng so với tháng trước, với sản lượng kê khai tương ứng là 9.766 xe. Nếu loại trừ yếu tố do nghỉ lễ kéo dài (do là tháng Tết Nguyên đán) thì số thuế TTĐB kê khai trong tháng 1/2023 cũng giảm khoảng 200 tỷ đồng so với tháng liền kề.
Như vậy, theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện phương án gia hạn nộp thuế TTĐB sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh như đề xuất của tỉnh Quảng Nam, Ninh Bình và các hiệp hội, doanh nghiệp. Hơn nữa, hết thời gian gia hạn thì các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải nộp đủ số thuế vào ngân sách nhà nước.
Về nhược điểm của phương án gia hạn nộp thuế TTĐB, Bộ Tài chính cho biết, nếu tiếp tục việc gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tạo ra quan ngại, phản ứng từ các đối tác liên quan các quy định về đối xử quốc gia của WTO và các FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có EVFTA. Do đó, thời gian áp dụng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không nên kéo dài.
Trên cơ sở cân nhắc các phương án nói trên, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo phương án tại Nghị định số 32/2022/NĐ-CP.
Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Theo đó, thời hạn nộp thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế của tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2023 chậm nhất là ngày 20/11/2023.
Với phương án gia hạn nộp thuế nêu trên thì dự kiến số thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bình quân tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo năm 2023 là khoảng 2.600 – 2.800 tỷ đồng. Theo đó, tổng số thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn trong 4 kỳ tính thuế như phương án đề xuất là khoảng 10.400 tỷ đồng – 11.200 tỷ đồng.
Về thủ tục ban hành Nghị định, theo Bộ Tài chính, việc gia hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã được thực hiện trong các năm 2020, 2021 và 2022 theo quy định tại Nghị định số 109/2020/NĐ-CP, Nghị định số 104/2021/NĐ-CP, Nghị định số 32/2022/NĐ-CP. Trong trường hợp Chính phủ cho phép xây dựng nghị định gia hạn cho năm 2023, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/