VỤ VIỆC HỘ KINH DOANH CHỢ ĐÔNG KINH ĐỒNG LOẠT NGHỈ BÁN HÀNG: CẦN TẠO ĐỒNG THUẬN ĐỂ CÙNG PHÁT TRIỂN (KỲ II)

Trước tình trạng các hộ kinh doanh chợ Đông Kinh tập trung tại cổng UBND tỉnh từ sáng 27/9/2022 đề nghị được gặp lãnh đạo để đề đạt các nguyện vọng của mình liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá thuê quầy của Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn, lãnh đạo UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp xem xét các kiến nghị; chủ trì đối thoại với các tiểu thương để có những chỉ đạo cụ thể về sự việc này.

Giữ nguyên giá thuê quầy đến hết ngày 30/9/2023

Sau khi nghe Sở Tài chính, Sở Công thương báo cáo, ý kiến tham gia của các thành phần dự họp và ý kiến của Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn, Người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn tại cuộc họp ngày 29/9/2022, UBND tỉnh đã ra thông báo số 533/TB-UBND ngày 30/9/2022 thông báo kết luận của đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Cụ thể như sau: Thời gian qua, UBND tỉnh đã nhận được những nội dung phản ánh, kiến nghị các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Đông Kinh liên quan đến chủ trương điều chỉnh giá cho thuê diện tích bán hàng tại Chợ của Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn (Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ 36% cổ phần). Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 28/2/2018 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, thì thẩm quyền quyết định giá cho thuê diện tích bán hàng tại Chợ Đông Kinh là của Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Tài chính. Giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại Chợ Đông Kinh đã được ban hành và tổ chức thực hiện từ năm 2011 đến nay chưa có sự điều chỉnh. Hiện nay các khoản mục chi phí cấu thành nên giá dịch vụ (chi phí thuê đất, điện, nước, chi phí quản lý doanh nghiệp…) đều tăng, việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ để đảm bảo duy trì hoạt động và hiệu quả kinh doanh của Công ty là cần thiết và phù hợp với Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông.

Văn bản thông báo kết luận cũng chỉ rõ: Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 những năm qua, các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nói chung và tại khu vực chợ Đông Kinh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời mô hình, cách thức hoạt động hiện nay của chợ truyền thống chưa thích ứng kịp với xu hướng tiêu dùng, kinh doanh thương mại mới; sức cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa và thu hút du khách đến tham quan, mua sắm tại chợ còn hạn chế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của các tiểu thương. Quá trình xây dựng phương án giá, Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn đã tổ chức tuyên truyền đến khách hàng là các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Đông Kinh, tuy nhiên hình thức tuyên truyền còn chưa thật sự phù hợp, hiệu quả; một số mức giá còn cần phải xem xét để phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của các hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đảm bảo việc ổn định, phục hồi và phát triển kinh doanh.

Để việc điều chỉnh giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại Chợ Đông Kinh đảm bảo lộ trình, phù hợp với thực tiễn, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và các tiểu thương, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội địa phương trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo thống nhất thực hiện giữ nguyên giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại Chợ Đông Kinh trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 30/9/2023; Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn có trách nhiệm xem xét, điều chỉnh phương án kinh doanh theo hướng sắp xếp, tiết giảm tối đa các khoản chi phí quản lý, chi phí hành chính, các chi phí không cần thiết… để đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện ký hợp đồng cho thuê diện tích bán hàng tại Chợ Đông Kinh với các tiểu thương trong giai đoạn từ nay đến hết ngày 30/9/2023.

Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện phương án giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại Chợ Đông Kinh đảm bảo phù hợp theo khu vực, ngành hàng, mức giá, tỷ lệ tăng…, lấy ý kiến sâu rộng trong các tiểu thương theo đúng quy trình, quy định để tạo đồng thuận cao nhất trong thực hiện; hoàn thành, gửi Sở Tài chính để xem xét, thẩm định; làm cơ sở để tổ chức thực hiện từ ngày 1/10/2023.

Cùng đó, công ty cần chủ động tuyên truyền, đối thoại với các tiểu thương về các phương án, định hướng hoạt động kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị đồng thời tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong các tiểu thương kinh doanh, để cùng xây dựng hoạt động môi trường kinh doanh văn minh, ngày càng phát triển.

Yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể vào cuộc

Cùng trong thông báo kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Công thương và Sở Tài chính đồng chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân tỉnh, UBND thành phố Lạng Sơn, Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn, các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch (nội dung, thời gian, địa điểm…) để tổ chức hội nghị đối thoại với các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Đông Kinh về chủ trương nêu trên.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, chiều 3/10/2022, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với trên 200 tiểu thương chợ Đông Kinh tham gia. Tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, lãnh đạo UBND thành phố Lạng Sơn và Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn đã nghe ý kiến, kiến nghị, những tâm tư, nguyện vọng của đại diện tiểu thương các khu vực đang kinh doanh tại chợ Đông Kinh. Trong đó, rất nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề đã được các tiểu thương nêu trong đơn kiến nghị gửi lãnh đạo các cấp, ngành; một số ý kiến tập trung vào công tác quản lý kinh doanh, quản lý hoạt động của ban lãnh đạo công ty như: công tác báo cáo tài chính, công tác hỗ trợ phòng chống dịch; việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; giá tiền điện, giá mua thêm diện tích giọt ranh quầy ngoài sân chợ; giá chênh lệch thuê quầy; việc tính lãi khi tiểu thương chậm ngày ký hợp đồng theo định kỳ…

Bà Phan Thị Kim Phượng, hộ kinh doanh tại Chợ Đông Kinh chia sẻ: Chúng tôi cũng hiểu những khó khăn của công ty, vì vậy, vừa là khách hàng, vừa là cổ đông của công ty, chúng tôi sẵn sàng giảm lãi cổ tức cuối năm. Và mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng liên quan xem xét giải quyết các kiến nghị của hộ kinh doanh, đồng thời xem xét điều chỉnh giá thuê đất đối với công ty trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay. Cùng với đó, mong muốn Nhà nước không thoái vốn tại công ty để có vai trò trụ đỡ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, với hộ kinh doanh.

Chợ Đông Kinh có trên 350 nữ tiểu thương là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ chợ, phát biểu tại hội nghị đối thoại, bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chia sẻ với những khó khăn của các nữ tiểu thương, hội viên đang kinh doanh tại Chợ Đông Kinh. Bà Hải cho rằng: Các ý kiến, kiến nghị của chị em phụ nữ chợ gửi tới hội phụ nữ các cấp đã được xem xét. Với vai trò là tổ chức hội, chúng tôi cũng đã chuyển tải ý kiến của chị em tới các ngành chức năng liên quan và mong muốn chị em cùng chia sẻ, cùng thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an ninh trật tự, sớm quay trở lại buôn bán thuận lợi, đảm bảo doanh thu, thu nhập để chăm lo cho gia đình.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các sở: công thương, tài chính cũng đã thông tin rõ với các tiểu thương về quy trình thực hiện các phương án điều chỉnh tăng giá của công ty; giải đáp một số thắc mắc của các tiểu thương liên quan đến những lĩnh vực các sở quản lý; đề nghị công ty và tiểu thương quan tâm một số nội dung nhằm thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, hoạt động chợ.

Kết luận tại hội nghị đối thoại với các tiểu thương chợ Đông Kinh, đồng chí Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các nội dung phản ánh, ý kiến, kiến nghị của các tiểu thương; những giải đáp từ phía các sở, ngành và Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn. Đồng chí đề nghị Công ty Cổ phần chợ Lạng Sơn thực hiện nghiêm túc các nội dung theo văn bản thông báo kết luận số 533 ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh. Đồng thời tiếp tục chủ động tuyên truyền, đối thoại với các tiểu thương về các phương án, định hướng hoạt động kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị. Cùng với đó tiếp tục quan tâm, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức, đoàn thể trong các tiểu thương kinh doanh để cùng xây dựng hoạt động môi trường kinh doanh văn minh, ngày càng phát triển. Công ty cần chủ động thông báo, tuyên truyền chủ trương nêu trên đến các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Đông Kinh.

Lời kết

Thực tế cho thấy, trong hành trình cùng chung lợi ích phát triển thì việc tạo được sự đồng thuận rất quan trọng. Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, việc tìm được một phần tiếng nói chung giữa Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn và các hộ kinh doanh sẽ giúp các hộ kinh doanh yên tâm gắn bó và đồng hành lâu dài với công ty. Việc các hộ kinh doanh cam kết quay trở lại hoạt động sẽ kịp thời phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài tỉnh cũng như Nhân dân trên địa bàn đến mua sắm, qua đó ổn định doanh thu, góp phần xây dựng văn minh kinh doanh thương mại tại chợ Đông Kinh nói riêng, các chợ trên địa bàn tỉnh nói chung.

Nguồn: Báo Lạng Sơn