Xúc tiến thương mại: Ưu tiên các chương trình trung hạn
Ưu tiên các chương trình trung hạn đối với một số ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng, thiết kế các hoạt động phù hợp với mỗi đối tượng, ngành hàng và thị trường là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trong năm 2022.
Kết quả đáng ghi nhận
Theo ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, năm 2021, Sơn La rất thành công trong tiêu thụ nông sản với khoảng 400.000 tấn quả. Để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, tỉnh còn được sự đồng hành hỗ trợ của Bộ Công Thương trong triển khai đa dạng các hoạt động XTTM. Cùng với Sơn La, năm 2021, Bộ Công Thương đã hỗ trợ nhiều tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên và nhiều địa phương khác trên cả nước đã tổ chức các sự kiện XTTM giúp tiêu thụ lượng lớn nông sản vào vụ. Theo Bộ Công Thương, năm 2021, dưới sức ép của dịch bệnh, các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động, linh hoạt thực hiện hoạt động XTTM giúp tiêu thụ hàng hóa cho bà con vùng sản xuất. Riêng Cục XTTM, thay cho hình thức XTTM truyền thống, trực tiếp, Cục đã hướng dẫn, phối hợp tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước; tổ chức hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện XTTM trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến; tổ chức 5 hội chợ, triển lãm thương mại trực tuyến có quy mô lớn tại Việt Nam.
Các hoạt động XTTM trên đã kết nối hàng triệu lượt doanh nghiệp Việt Nam với các nhà nhập khẩu, hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Cùng đó, hàng loạt các sự kiện kết nối cung – cầu, tiêu thụ, xuất khẩu và quảng bá nông sản mùa vụ; tư vấn, cung cấp thông tin thị trường cho địa phương, doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng nội địa… đã được tổ chức với hiệu quả cao. Từ đó, góp phần nối dòng giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Tiếp tục thực hiện tốt vai trò “cầu nối”
Theo đại diện Cục XTTM, năm 2022, hoạt động giao thương nhiều khả năng được nới lỏng hơn do dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát. Tuy nhiên, thách thức đến từ thay đổi nhu cầu tiêu thụ, chi phí vận tải vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng đó là xu hướng gia tăng tiêu chuẩn kỹ thuật của hóa của Việt Nam.
Với vai trò xúc tiến tiêu thụ, cầu nối cho hàng Việt ra thị trường nước ngoài, hoạt động XTTM được định hướng ưu tiên cho các chương trình trung hạn đối với một số ngành hàng xuất khẩu có tiềm năng. Theo đó, các hoạt động sẽ được thiết kế phù hợp với mỗi đối tượng, ngành hàng, thị trường và đồng bộ với việc thực hiện cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, huy động và phát huy sức mạnh của hệ thống cơ quan đại diện và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục triển khai, Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021 – 2030” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các chương trình XTTM trên môi trường số.
Để khắc phục hạn chế về nguồn kinh phí, hoạt động XTTM của địa phương, trung ương và tổ chức quốc tế sẽ được lồng ghép nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực; ưu tiên các hoạt động kết nối tiêu thụ, kích thích nhu cầu và tăng trưởng nội sinh để giải quyết đầu ra cho nông sản mùa vụ; nâng cao năng lực XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguồn: congthuong.vn