Doanh nghiệp Việt Nam – Bulgaria: Nhiều cơ hội hợp tác sản xuất, xuất khẩu
Do có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài tốt, Bulgaria là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, hợp tác sản xuất, từ đó mở rộng hơn cánh cửa bước vào thị trường Bulgaria và thị trường EU cho hàng hoá Việt.
Thuận lợi nhiều hơn khó khăn
Theo ông Lê Hồ Khang- Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bulgari, Giám đốc công ty Uni Export Bungari, khi đầu tư, hợp tác sản xuất tại Bulgaria, doanh nghiệp cần xác định, đây là thị trường khá nhỏ bé, dân số chưa đến 7 triệu người, do vậy sức tiêu thụ không lớn. Bên cạnh đó, cũng như các nước Đông Âu khác, lực lượng lao động của Bulgaria không lớn và không có sẵn.
Thế nhưng, khi nói tới thị trường Bulgaria là nói đến thị trường EU rộng lớn. Hàng hoá doanh nghiệp Việt Nam hợp tác sản xuất và thâm nhập được vào Bulgaria cũng đồng nghĩa sẽ bước được vào thị trường EU. Hơn nữa Bulgaria có cảng biển nên rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Cơ sở hạ tầng đã được xây dựng từ lâu và khá tốt, hệ thống luật pháp đang được Chính phủ Bulgaria hoàn thiện theo hướng phát triển của EU.
Điểm thuận lợi nữa, theo ông Khang, Bulgaria công nhận sở hữu đất đai là sở hữu tư nhân. Do vậy, khi đầu tư vào quốc gia này, doanh nghiệp mua đất đai xây dựng nhà xưởng thì tất cả tài sản đó được sở hữu vĩnh viễn. Hệ thống tài chính ổn định, Bulgaria đã đưa đơn chính thức gia nhập vào khối đồng tiền eurozone. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Bulgaria được sự hỗ trợ rất mạnh của các ngân hàng với lãi suất thấp. “Hiện nay chúng tôi chỉ vay với lãi suất 3%/năm”, ông Khang thông tin.
Ông Lê Hồ Khang cũng, nhấn mạnh: Hợp tác sản xuất tại Bulgaria, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn khó khăn. Hiện tại, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thế giới đang hình thành chuỗi cung ứng mới theo từng khu vực chứ không theo chuỗi phẳng toàn cầu như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước bắt tay với doanh nghiệp Bulgaria để chen chân vào chuỗi cung ứng với vị trí cao.
Mặt khác, Bulgaria đang thay đổi mạnh về cơ cấu chính trị với đội ngũ nhà lãnh đạo mới, trẻ tạo nên các điểm đột phá trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Khi chuỗi cung ứng đã ổn định với sự tham gia của các tập đoàn xuyên quốc gia, sẽ rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các ngành sản xuất và khai thác thị trường Bulgaria, cũng như thị trường EU.
Phân tích kỹ hơn ưu điểm trong chính sách thu hút đầu tư của Bulgaria, ông Yulian Balchev- Chuyên gia cao cấp, Cục Đầu tư Bulgari, cho hay: Bulgaria là thành viên của hơn 40 thoả thuận thương mại với 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Các thoả thuận thương mại rất thuận lợi hỗ trợ phát triển thương mại cho Bulgaria với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bulgaria có thể dễ dàng trở thành trung tâm phân phối hàng hoá với các nước trong khu vực.
“Nhà đầu tư Việt Nam hoàn toàn có thể yên tâm về chính sách tài khoá của Bulgaria do đồng nội tệ của Bulgaria ổn định so với đồng euro, hiện 1 euro bằng 1,95 lev (tiền Bungaria)”, ông Yulian Balchev nói. Đồng thời cho biết, Bulgaria có mức thuế thấp nhất trong khối EU, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, thuế thu nhập cá nhân 10%, thuế VAT 20%. Tại một số địa phương, doanh nghiệp tái đầu tư có thể hưởng mức thuế thu nhập 0%, thuế VAT 9%. Một số lĩnh vực Bulgaria có lợi thế và mong muốn hợp tác đầu tư sản xuất cùng doanh nghiệp Việt Nam, như: Sản xuất ô tô, công nghệ thông tin, điện tử
Khai thác lợi thế từ EVFTA
Theo các chuyên gia, hàng hoá Việt Nam đã hiện diện trên thị trường Bulgaria, trong đó chủ yếu là mặt hàng tiêu dùng truyền thống như dệt may, da giày, cao su, nông sản, máy tính, điện thoại. Năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam- Bulgaria vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Ông Phạm Tuấn Huy- Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria, cho hay: Việt Nam và Bulgaria cùng là thành viên của EVFTA. Và sau hơn 1 năm đi vào thực thi, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đạt gần 55 tỷ USD, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng 10% so với thời kỳ trước đó.
Với thị trường Bulgaria, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Bulgaria luôn đạt mức tăng trưởng 10% mỗi năm trong những năm gần đây. 10 tháng năm 2021, đã đạt trên 200 triệu USD. Dự báo năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria tiếp tục tăng trưởng nhưng có thể ở mức khiêm tốn hơn so với năm 2021. Trong đó, có một số mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu tốt, như: Đồ nội thất, giày dép, linh kiện sản phẩm điện tử…
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria, khi đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Bulgaria doanh nghiệp Việt có cơ hội song hành cùng thách thức. Về cơ hội, ưu đãi từ EVFTA mà Việt Nam và Bulgaria đều là thành viên giúp hàng hoá Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Về thách thức, doanh nghiệp phải đối mặt với sức cạnh tranh gay gắt, cụ thể là sản phẩm chíp điện tử đến từ Trung Quốc, hàng dệt may và da giày đến từ Thổ Nhỹ Kỳ, Bangladesh, nông sản đến từ Hy Lạp.
“Bulgaria là thị trường có sức mua thấp, tuy nhiên tại quốc gia này có một số lĩnh vực có tiềm năng hợp tác, nhất là hợp tác sản xuất để tạo nguồn hàng xuất khẩu sang thị trường EU. Trong đó, mặt hàng tân dược được đánh giá cao bởi Bulgaria vẫn được biết đến với khả năng sản xuất thuốc chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Tiếp đó là hoá mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra còn có vận tải đường biển, đường bộ, du lịch nghỉ dưỡng, xuất khẩu lao động”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria thông tin. Đồng thời lưu ý, trong quá trình hợp tác sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý bởi doanh nghiệp Bulgaria thiếu tính chủ động và ít quan tâm tới sự thay đổi trong chính sách về thuế.
Nguồn: congthuong.vn