Bộ Công Thương hỗ trợ “phủ sóng” nông sản trên sàn thương mại điện tử

Để sản phẩm nông sản có tiềm năng của Bình Định “phủ sóng” trên các sàn thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã gợi mở nhiều giải pháp phát triển.

Tháo gỡ khó khăn

Tiếp chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại Bình Định diễn ra từ ngày 24/6 đến 3/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công Thương Bình Định tổ chức Hội nghị tập huấn và Kết nối thương mại điện tử cho doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh miền Trung 2022.

Theo Bộ Công Thương, tỉnh Bình Định hiện có 133 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP với chất lượng mẫu mã đẹp đủ điều kiện tiêu thụ vào các kênh bán lẻ hiện đại. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức lưu chuyển hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2016 – 2021 (đạt 405.642 tỷ đồng) là 9,6%.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định chia sẻ, những năm qua, tỉnh Bình Định đã rất quyết liệt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cho sản phẩm nông sản của địa phương để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, ông Kha cũng chỉ ra: “Trên thực tế, nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu… ở nhiều địa phương cũng không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng phương thức bán hàng vẫn còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu vận hành trên các sàn thương mại điện tử”.

Đánh giá về những lợi thế của việc phát triển sản phẩm qua thương mại điện tử, đại diện Sở Công Thương Bình Định nhấn mạnh, tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử là một xu thế tất yếu hiện nay. Cùng với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử giúp các hộ nông dân vừa có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước, vừa hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn.

“Phát triển tiêu thụ sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử tại thị trường trong nước cũng là một cách hướng đến tham gia các sàn thương mại điện tử lớn của thế giới” – ông Kha cho hay.

Vì vậy, ông Nguyễn Đình Kha đánh giá cao hỗ trợ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Sở Công Thương Bình Định trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh phân phối đưa sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử tại thị trường trong nước, dần hướng đến tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín thế giới.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cũng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục đồng hành trong việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình hiện đại. Từ đó, doanh nghiệp Bình Định có thể khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, của các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển cũng như các đối tác trung gian thanh toán.

Thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp

Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua cơ quan nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác liên quan tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt.

Do đó, theo bà Huyền, đây là cơ hội cho nông sản đặc trưng, tiêu biểu của Bình Định tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và thương hiệu.

“Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu… cũng chủ động “chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước” – bà Huyền ghi nhận.

Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề xuất một số phương án hợp tác giữa các bên. Theo đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp địa phương về điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào sàn thương mại điện tử.

Ngoài ra, những đơn vị này còn hỗ trợ địa điểm và tư vấn tổ chức các chương trình quảng bá nông sản, xây dựng các chương trình khuyến mại, hoặc các buổi giới thiệu trực tuyến kết hợp trực tiếp tại sàn thương mại điện tử.

Đối với các sản phẩm chưa đủ điều kiện đưa vào hệ thống ngay, các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hoàn thiện những điều kiện, thủ tục trong thời gian nhanh nhất.

“Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong thời đại kinh tế số hiện nay”, bà Huyền nhấn mạnh.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chủ trương chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó, hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp là nằm trong nhóm được Chính phủ quan tâm bậc nhất.

Nhằm đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp địa phương và các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng các giải pháp số, tài chính số trong phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình hiện đại.

Là doanh nghiệp luôn đồng hành với nông dân giúp tiêu thụ sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử, đại diện sàn thương mại điện tử Voso chia sẻ, sàn thương mại điện tử Voso đã luôn đồng hành cùng với các đơn vị liên quan, các bộ, ban, ngành trong các hoạt động đào tạo và tập huấn để hỗ trợ các hoạt động về thương mại điện tử cho nông dân.

Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Postmart, Sendo, Postmart, Tiki, Shopee, Lazada… hiện cũng đang triển khai nhiều chương trình mở rộng nhà cung cấp sản phẩm Việt, tổ chức tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt, đặc sản địa phương và nông sản một mặt đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương ứng dụng thương mại điện tử ở khắp các tỉnh, thành phố, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh, sẵn sàng thay đổi và thích ứng với công nghệ số thời 4.0.

Nguồn: congthuong.vn