Cầu nối hàng Việt đến người tiêu dùng

Những năm qua, các tập đoàn phân phối nước ngoài đã tham gia vào thị trường Việt Nam và có những đóng góp không nhỏ tạo nên một thị trường bán lẻ đa dạng, phong phú và có tính cạnh tranh. Với tỷ lệ hàng Việt cao, đây được xem là một trong những “cầu nối” hữu ích cho hàng Việt đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Kênh phân phối hàng Việt hữu hiệu

Thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, đến cuối năm 2015, trên địa bàn cả nước có khoảng 90 cơ sở bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có quy mô từ 500m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, chiếm khoảng 9,3% tổng số 800 siêu thị và 168 trung tâm thương mại ở Việt Nam. Nhiều các nhà phân phối lớn đến từ châu Âu, châu Á đã hiện hữu tại thị trường Việt Nam như: Hệ thống Bmart của Tập đoàn Berli Jucker Plc (Thái Lan); Metro Cash & Carry (Thái Lan); Big C (Thái Lan); Lotte Mart, E-Mart (Hàn Quốc); Aeon (Nhật Bản); Co-op Xtra (liên doanh Saigon Co.op với Fairprice – Singapore)…

Theo Bộ Công Thương, hiện hàng hóa bán ra trong các siêu thị, trung tâm thương mại FDI chủ yếu là hàng sản xuất tại Việt Nam (chiếm khoảng 90%). Bộ Công Thương đã đề nghị các nhà phân phối FDI chú trọng việc ký kết, mua hàng sản xuất tại Việt Nam để phân phối trong cơ sở của họ. Theo đó, Aeon, Metro, Lotte Mart… đã sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để chế biến, gia công theo tiêu chuẩn của họ, giúp mang lại lợi ích lớn cho một bộ phận nông dân và doanh nghiệp (DN) nuôi trồng thủy sản, nông sản theo hướng nâng cao, cải tiến kỹ thuật canh tác, chế biến, tiếp cận với thị trường và tiêu thụ hàng hóa theo phương thức chuyên nghiệp, văn minh hơn.

Bộ Công Thương đã làm việc với hàng loạt kênh phân phối lớn như Lotte Mart, E-Mart, Big C, Metro… tổ chức các triển lãm hàng Việt tiêu biểu, tuần lễ hàng Việt tại nước ngoài…, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt.

Đơn cử, tại Triển lãm hàng Việt tiêu biểu lần 2 được tổ chức từ ngày 24 – 28/6/2015 tại siêu thị Lotte Mart Nam Sài Gòn, các chuyên gia của Lotte Mart Hàn Quốc và các nhà nhập khẩu đã chọn ra 22 DN đạt chuẩn, ký hợp đồng nhập khẩu phục vụ triển lãm từ ngày 29/10 – 3/11/2015 tại Hàn Quốc với kim ngạch 750.000 USD. Sau triển lãm, nhiều sản phẩm Việt Nam được tiếp tục bày bán tại kênh phân phối này như: Hạt điều, tôm đông lạnh, cá khô, bánh phở, cà phê, thảm lau nhà, găng tay cao su, đồ nhà bếp, chăn, gối, ghế, móc áo, chậu nhựa… Tổng doanh thu lên đến 1 triệu USD.

Hoặc đầu tháng 6/2016, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn Casino (Pháp) tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại siêu thị Casino Gambetta (Lyon, Pháp) với khẩu hiệu “Cùng sản phẩm Việt vươn xa”. Sự kiện này là minh chứng cho thấy các cam kết của Tập đoàn Casino trong việc tiếp tục phát triển mảng xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Pháp và châu Âu, sau khi bán chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam. Các sản phẩm của Việt Nam được bày bán tại hệ thống siêu thị Casino ở Pháp rất phong phú và đa dạng, bao gồm hoa quả tươi, nem gói sẵn đông lạnh, gạo, tôm đông lạnh, hoa quả đóng hộp, đồ uống, may mặc…

Tại Thái Lan, trong tháng 7/2016, lần đầu tiên, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Central Group (Thái Lan) tổ chức “Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam” tại Trung tâm mua sắm lớn nhất Thái Lan – Central World. Tham gia trưng bày sản phẩm tại tuần lễ là những DN lớn của Việt Nam như: Công ty nội thất Bình Phú; Công ty gốm sứ Minh Long, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn; Công ty Điện Quang, Công ty dệt may Hòa Thọ; các nhãn hàng thực phẩm: Bích Chi, Hoàn Châu, Tân Huê Viên, Tâm Lan… “Tuần lễ quảng bá hàng Việt Nam” đã giúp người tiêu dùng Thái Lan và kiều bào Việt Nam tại Thái Lan tiếp cận được nhiều hơn các loại hàng hóa Việt chất lượng cao, giá cạnh tranh, chủng loại đa dạng.

Bộ Công Thương – khẳng định vai trò cầu nối

Gần đây, các kênh phân phối FDI liên tục vào tay nhà đầu tư Thái Lan làm dấy lên lo ngại hàng Việt Nam sẽ mất vị trí trong hệ thống các siêu thị này. Vụ Thị trường trong nước cho hay, trong khuôn khổ không vi phạm các cam kết mở cửa thị trường, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp để giữ vững thị phần hàng Việt như triển khai thực hiện quy định về ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng liên quan đến hoạt động phân phối hàng hóa (đầu tư kinh doanh trung tâm hội chợ triển lãm hàng hóa, trung tâm logistic, kho hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại…) từ đó tìm kiếm biện pháp ưu tiên mặt bằng cho hoạt động bán lẻ của DN trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thúc đẩy việc tăng cường liên kết giữa DN bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm chất lượng để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam, giảm hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Đối với cơ sở bán lẻ của hộ kinh doanh ở các khu dân cư, đường phố cũ, Bộ Công Thương sẽ khuyến khích các DN bán lẻ trong nước đứng ra tập hợp, liên kết các cửa hàng thực phẩm và tạp hóa hiện hữu (của hộ gia đình có nhà mặt tiền), hỗ trợ nâng cấp trang bị, thay đổi phương thức quản lý, cung cách phục vụ để hướng các cửa hàng này chuyển thành cửa hàng tiện lợi theo mô hình chuỗi thông qua phương thức nhượng quyền thương mại.

Đồng thời, để thực hiện mục tiêu đưa hàng hóa Việt Nam tham gia trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại các thị trường và khu vực trọng yếu theo đúng tinh thần Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ xây dựng hệ thống thông tin về mạng phân phối bán lẻ nước ngoài để các DN sản xuất, kinh doanh trong nước kịp thời cập nhật, có những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; đồng thời xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại theo hướng tập trung cho các mặt hàng và các thị trường nhập khẩu trọng điểm, nhiều tiềm năng; khuyến khích các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đầu tư, liên kết, hợp tác với các cơ sở sản xuất trong nước phát triển nguồn hàng để tiêu thụ trong hệ thống phân phối toàn cầu của mình…

Nguồn: congthuong.vn