Doanh nghiệp gia tăng cơ hội xuất khẩu trên nền tảng số

Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đầu tư sâu vào công nghệ nhằm gia tăng cơ hội xuất khẩu trên nền tảng số.

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA (Biến động (Votality), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguilty) do Bộ Công Thương phối hợp cùng Alibaba.com tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh sáng 8/3.

Nhiều quả ngọt

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thời gian qua, đơn vị đã tập trung nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn; phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động nhằm đồng hành hiệu quả nhất với các doanh nghiệp.

Thực tế đã ghi nhận, thông qua những chuyển đổi mạnh mẽ trong xúc tiến thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ giao dịch và xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu ấn tượng của cả nước.

Chia sẻ về những thành quả đạt được trên sàn thương mại điện tử, ông Dương Khánh Toàn, Giám đốc Phát triển kinh doanh quốc tế và Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần cà phê Mê Trang (METRANG COFFEE) cho biết, tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử từ năm 2014, song đến năm 2019, doanh nghiệp phải đóng gian hàng do không có khách. Đến năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của Mê Trang, doanh nghiệp đã quyết định quay lại sàn vào năm 2022.

Quay trở lại sàn thương mại điện tử, công ty đã xây dựng lại kế hoạch chiến lược khai thác trên nền tảng thương mại điện tử, tận dụng cơ hội thị trường rộng mở trên nền tảng số để bán hàng. Điều này giúp doanh nghiệp bù đắp lại các đơn hàng bị huỷ do khó khăn của thị trường cùng với đó tiết kiệm khá nhiều thời gian, chi phí.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng dành sự ưu tiên cho công tác phát triển nhân sự chuyên cho kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, đi cùng với việc kiểm tra và đánh giá việc khai thác kênh bán hàng này hiệu quả như thế nào… và sau đó đã hái “quả ngọt” là những đơn hàng lớn. Năm 2023 này, Mê Trang đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh thu xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử, mở rộng khách hàng tại thị trường châu Âu và Trung Đông.

Bà Hoàng Thanh Tâm – Giám đốc công ty Indochina JSC cho biết, trước xu thế số hóa, từ năm 2015 công ty đã tập trung bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Với đặc trưng là các sản phẩm nội thất thủ công mỹ nghệ việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng khác nhau trên thế giới. “Sau 8 năm kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp đã chinh phục thành công thị trường châu Âu và Mỹ. Hiện nay số lượng khách truy cập vào cửa hàng mỗi tháng đạt từ 20.000 – 30.000 lượt. Giá trị giao dịch của công ty đã đạt 5 triệu USD”, bà Hoàng Thanh Tâm chia sẻ.

Cũng theo bà Tâm, để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ tư vấn, tập huấn của các bộ, ngành và các sàn thương mại điện tử. Bởi để xây dựng được niềm tin của khách hàng thì doanh nghiệp phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng cũng như những tiêu chuẩn của nước sở tại.

Tăng cường số hóa trong xúc tiến thương mại

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong những năm vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com triển khai thành công nhiều sự kiện quy mô lớn như: Hội nghị thương mại điện tử quốc tế B2B năm 2021, Hội nghị quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử năm 2022 và khai trương “Gian hàng quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion”. Đây là không gian hàng hoá Việt Nam trên sàn thương mại điện tử, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế.

Cũng theo ông Vũ Bá Phú, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA.

Ông Vũ Thế Tùng, Giám đốc Phát triển Thị trường Alibaba.com Việt Nam cho biết, năm 2023 là năm được dự báo nhiều thử thách cho doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh các doanh nghiệp, khi tham gia thương mại điện tử, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng các nguồn lực như nhân sự và tài chính để đầu tư đúng và trúng.

Xuất khẩu qua thương mại điện tử mang lại kết quả khả quan và có tiềm năng rất lớn, nhưng khi làm xuất khẩu xuyên biên giới nhiều doanh nghiệp cho rằng cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong xây dựng niềm tin của khách hàng, cạnh tranh thị trường, rủi ro về thanh toán, chênh lệch múi giờ, thị hiếu khách hàng, tiêu chuẩn chất lượng khác nhau ở mỗi châu lục.

Nguồn: congthuong.vn