Doanh nghiệp kỳ vọng hệ thống thương vụ thúc đẩy giao thương mạnh mẽ, sâu rộng và bền chặt
Cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn hê thống thương vụ đưa ra được giải pháp thiết thực để đưa hàng Việt Nam giao thương mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Nói về vai trò của hệ thống thương vụ, Bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch Hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu, thuộc Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đã bày tỏ những suy nghĩ và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp có nhiều giao thương với thị trường quốc tế.
Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với nhiều cơ hội mở ra cho doanh nghiệp, hàng hóa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bối cảnh mới của nền kinh tế đang đòi hỏi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Bà có chia sẻ gì về sự hỗ trợ của các thương vụ đối với hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu?
Với quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế đất nước cơ hội lớn thì cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Do vậy, để doanh nghiệp, hàng hóa có thể vươn xa và khẳng định vị thế trên thị trường thế giới thì hệ thống cơ quan thương vụ ở nước ngoài có vai trò rất quan trọng. Đây chính là cánh tay nối dài của doanh nghiệp, ngành hàng trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.
Ngay trong đại dịch Covid-19, trước sự khó khăn và đứt gãy của chuỗi cung ứng, các hoạt động giao thương bị gián đoạn, nhưng để có thể trụ vững và tiếp tục duy trì dòng chảy hàng hóa đến nhiều thị trường của doanh nghiệp chúng tôi luôn đánh giá và ghi nhận sự góp sức quan trọng của các thương vụ thông qua việc tích cực vào cuộc thúc đẩy giao thương với các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Còn khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sau đại dịch, vai trò của thương vụ lại càng quan trọng trong việc làm cầu nối, hướng dẫn doanh nghiệp các tiếp cận, tìm hiểu thị trường nhất là khi nhiều nền kinh tế thế giới dần xuất hiện các xu thế mới cũng như các thay đổi mới về đòi hỏi, nhu cầu từ thị trường.
Không chỉ vậy, để vực dậy các hoạt động kinh doanh nhanh chóng cho doanh nghiệp, chính sự hỗ trợ của thương vụ về mặt truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam qua các chương trình Hội chợ, Hội nghị xúc tiến xuất khẩu đã mang lại những kết quả rất tích cực.
Trước tác động của dịch Covid-19, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, hiện cộng đồng doanh nghiệp đang có những khó khăn, vướng mắc nào về tiếp cận thị trường? Bà kỳ vọng và mong muốn các thương vụ sẽ tiếp tục phát huy vai trò “cánh tay nối dài” ra sao?
Như chúng ta thấy, ảnh hưởng của đại dịch cũng như các khó khăn của nền kinh tế đang đặt ra các thách thức mới cho doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, nền kinh tế, thương mại thế giới đang liên tục thay đổi, biến động khiến doanh nghiệp rất khó nắm bắt.
Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, gia tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa, có thêm các đối tác kinh doanh tiềm năng, chúng tôi cho rằng thương vụ tại các nước cần mở rộng hoạt động, hợp tác với các tổ chức bản địa, tổ chức thương mại và các hiệp hội ngành hàng để đẩy mạnh kết nối cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc phối hợp chặt chẽ với các trung tâm xúc tiến trong nước nhằm tạo mạng lưới hỗ trợ thương mại tại nước ngoài bền chặt hơn có ý nghĩa rất lớn.
Bên cạnh đó, các thương vụ cần ủng hộ và đẩy mạnh việc phát triển các ngôi nhà thương mại, trung tâm xúc tiến, hỗ trợ phát triển thương mại Việt Nam tại các nước, đây chính là “cánh tay nối dài” giúp triển khai mạnh mẽ các chương trình giao thương. Với sự phối hợp của hệ thương vụ sẽ giúp giảm được chi phí, nguồn lực cho nhà nước cũng như doanh nghiệp trong xúc tiến thị trường, vừa tạo hiệu quả thương mại thực tế và bền vững.
Chúng tôi cũng mong, các thương vụ có sự kết nối với nhau, học hỏi cùng nhau xây dựng mạng lưới hỗ trợ thương mại, xuất nhập khẩu nhằm nắm bắt được tình hình chung để triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ xúc tiến cho doanh nghiệp. Theo đó, dù có thay đổi nhiệm kỳ tại các thương vụ thì mạng lưới thương mại vẫn tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ mới. Hy vọng, sự phối hợp này sẽ ngày càng bền chặt, phát huy được sức mạnh đoàn kết, lòng tự hào dân tộc để đưa hàng Việt Nam giao thương mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Từ tháng 7-12/2023, Bộ Công Thương thực hiện Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước. Bà đánh giá gì về hoạt động này?
Tôi đánh giá đây là hoạt động hết sức cần thiết, cung cấp thông tin và cập nhật được tình hình thực tiễn từ thị trường các nước. Đồng thời liên kết, kết nối được các thị trường cũng như giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận gần hơn với hoạt động của thương vụ.
Ngoài ra, qua Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước, các doanh nghiệp xuất khẩu mong muốn được kết nối sâu hơn, chi tiết, cụ thể hơn để cùng theo dõi và nắm được tinh hình thương mại thực tế tại các nước.
Ngay sự kiện tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, chọn lọc kỹ lưỡng nội dung; tạo được sự quan tâm và đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn cho hoạt động này, tôi cho rằng, các thương vụ trong mỗi chương trình cần đưa ra bản báo cáo chân thực hơn, thực tế hơn, các con số chuẩn xác hơn cả về thuận lợi cũng như khó khăn của từng thị trường; nêu rõ vấn đề cụ thể, ngành hàng thực tế… chứ không nên chỉ nêu những báo cáo, thông báo hoạt động thông thường, chung chung.
Đặc biệt, khi nền kinh tế trong nước đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới, việc đưa ra các phân tích thị trường, đánh giá được nhu cầu thị trường với các xu hướng mới, tiềm năng mới là hết sức quan trọng với doanh nghiệp.
Hiện doanh nghiệp xuất khẩu luôn đánh giá cao việc các thương vụ đưa ra được giải pháp thiết thực để nâng cao xuất nhập khẩu hai chiều, có thông tin liên hệ cụ thể cùng các hoạt động, chương trình thiết thực để doanh nghiệp có thể tham gia, qua đó cùng thúc đẩy mạnh giao thương, tăng cường xuất nhập khẩu, góp phần vào phát triển kinh tế của đất nước.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: congthuong.vn