Hỗ trợ doanh nghiệp nông sản khu vực miền Trung – Tây Nguyên tiếp cận các quy định xuất khẩu vào thị trường nước ngoài

Hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp nông sản nắm bắt thông tin liên quan đến quy định, tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu vào thị trường nước ngoài.

Sáng ngày 25/8, tại tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra hội nghị “Hướng dẫn thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp nông sản khu vực miền Trung – Tây Nguyên tiếp cận, áp dụng và tuân thủ các quy định xuất khẩu vào thị trường nước ngoài”. Hội nghị được kết hợp trực tuyến kết nối với các điểm cầu Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Hoa Kỳ và Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng thông tin, hiện Lâm Đồng là địa phương đã và đang đi đầu trong cả nước về sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh. Hiện tại Lâm Đồng có trên 300.000ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 197ha ứng dụng công nghệ thông minh với 4 nhóm chính: cảm biến, thực phẩm, tự động và kỹ thuật, về sản phẩm hiện có 175 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 – 5 sao và có 22 chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, trong đó nhãn hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đại diện cho 4 sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông đã khẳng định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; qua đó từng bước được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn tiêu dùng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn rất khó lường và tình hình giá cả hàng hóa tăng cao; do ảnh hưởng của giá cả nhiên, nguyên vật liệu đầu vào, làm cho người tiêu dùng trong nước có xu hướng hạn chế trong tiêu dùng. “Do đó, hội nghị lần này sẽ giúp doanh nghiệp khu vực miền trung Tây Nguyên nói chung, doanh nghiệp Lâm Đồng nói riêng kịp thời nắm bắt thông tin mới nhất liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn trong hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu vào các nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Thủy Điển,… là những nước có các quy định rất khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu”, ông Anh cho hay.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Bùi Xuân Lịch – Tổ trưởng Tổ công tác khu vực miền Trung Tây Nguyên – Cục Xúc tiến thương mại cho biết, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong những năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường nhập khẩu dẫn đầu với kim ngạch lên đến 11,9 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 27,5% thị phần trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong số các thị trường nhập khẩu của Trung Quốc. Tận dụng những cơ hội, lợi thế từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam, Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tham gia và ký kết, trong thời gian tới, Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nông sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ lớn từ hai thị trường này.

“Để xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc hướng đến bền vững và phát triển, công tác quản lý sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quy cách mẫu mã cần phải được các cấp, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người nuôi trồng đặc biệt coi trọng và quan tâm thực hiện theo quy định của Việt Nam và của nước nhập khẩu”, ông Bùi Xuân Lịch nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ cung cấp những thông tin mới nhất về các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào 2 thị trường chính Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đồng thời, các chuyên gia sẽ giải đáp một số nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phổ biến một số chứng nhận quốc tế cần thiết cho mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc….

Thông qua hội nghị này, các cơ quan xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hàng hóa phù hợp nhằm hạn chế những rủi do, thiệt hại trong hợp tác, kinh doanh.

Nguồn: congthuong.vn