Phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ cho nền kinh tế

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, các giải pháp xúc tiến thương mại thị trường nội địa được triển khai mạnh mẽ để góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế.

Thị trường trong nước duy trì tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.

Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy số ca nhiễm Covid-19 trong nước có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4 nhưng hoạt động tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, mua gom, tích trữ thực phẩm. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng/giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%). Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%.

Nếu so với so với 4 tháng đầu năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,1%.

Trong 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao ở một số địa phương như sau: Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10%; Quảng Ninh tăng 9,5%; TP Hồ Chí Minh tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9,0%; Đà Nẵng tăng 7,2%… cho thấy thị trường hàng hóa khá sôi động.

Tăng cường xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước

Bộ Công Thương xác định, trong bối cảnh nền xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, cần phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung vào các giải pháp chủ yếu như tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; Tăng chi tiêu của Chính phủ; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử. Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.

Riêng với mùa nông sản thu hoạch rộ sắp tới, bà Trịnh Huyền Mai – Phó trưởng Phòng Chính sách Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương cho biết, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại lớn nhằm thúc đẩy sản xuất, kết nối sản xuất với thị trường trong nước như Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”; hội chợ, triển lãm, chuỗi chương trình kết nối giao thương cấp vùng, hỗ trợ xúc tiến đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, nông sản mang chỉ dẫn địa lý của các địa phương… Qua đó, giúp nhà sản xuất, nhà cung ứng của các địa phương kết nối với hệ thống phân phối, đơn vị thu mua để sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.

Về kế hoạch xúc tiến thương mại mang tính bền vững, dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tập trung việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản địa phương thông qua một số giải pháp cụ thể: Hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng địa phương áp dụng truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin sản phẩm cho người tiêu dùng; huấn luyện về kỹ năng xúc tiến thương mại, kỹ năng tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, thiết kế phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng.

Đồng thời, huy động các nguồn lực, đặc biệt sự hỗ trợ về kỹ thuật của các đối tác trong nước và nước ngoài, đặc biệt các sàn thương mại điện tử trong nước như Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, và các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba. Từ đó huấn luyện, nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng về chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, các kỹ năng quảng bá bán hàng trên môi trường số, kỹ năng bán hàng livestream. Đưa công nghệ thông tin đến các nhà cung ứng địa phương, các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng vào xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại và phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Mới đây nhất, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Sở Công Thương Sơn La và nền tảng Tiktok hướng dẫn livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Buổi tập huấn kỳ vọng góp phân thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng; thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử thông qua phương thức livestream bán hàng trên nền tảng Tiktok và các ứng dụng khác.

Nguồn: congthuong.vn