SOS: Nhiều “ông lớn” sàn thương mại điện tử vi phạm nghiêm trọng về quảng cáo

Gần đây, thương mại điện tử Việt Nam ngày càng mở rộng, thói quen tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua hàng online.

Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng mở rộng, thói quen tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua hàng online (trực tuyến) thông qua phương tiện điện tử. Ngoài những ưu điểm to lớn của thương mại điện tử vẫn tồn tại những mặt trái nguy hiểm cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Từ những lợi ích kinh tế…

Theo thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ số trong thời đại 4.0, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể.

Với thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng, tương tác, giao dịch thương mại điện tử trên smartphone chiếm tỷ trọng lớn, nên thị trường này hiện tăng trưởng khá nhanh.

Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử Việt Nam nửa đầu năm 2022, thì Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Bên cạnh đó, có thể coi những ảnh huởng từ đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế, lúc này thị trường thương mại điện tử càng có những bước tăng tốc mạnh mẽ, tăng trưởng bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Theo nghiên cứu tại Việt Nam, cứ có 10 người tiêu dùng thì sẽ có 7 người truy cập và giao dịch thương mại trên các nền tảng kỹ thuật số. Năm 2021 là một năm phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử Việt Nam, khi số lượng danh mục hàng hóa mua sắm trực tuyến đã tăng hơn 50% so với 2020.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Vì vậy, thị trường thương mại điện tử đang ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin.

Theo Sách Trắng thương mại điện tử, dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online (trực tuyến).

… đến tồn tại nhiều quảng cáo phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục

Trên thực tế, việc kinh doanh, mua bán hàng hóa, dịch vụ thương mại trực tuyến thông qua các hình thức thương mại điện tử càng trở nên hữu dụng và được người dân yêu thích, sử dụng. Thương mại điện tử không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế mà còn trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”.

Cùng với cuộc đua quảng cáo số trong những năm gần đây, khi người tiêu dung tập trung vào mua sắm trực tuyến, thì đó là điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh mô hình kinh doanh này. Điều đó đã làm cho “đấu trường” quảng cáo trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng nhanh và áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, khiến nhiều sàn thương mại điện tử chạy theo việc thu hút người bán tham gia, mà chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh thông tin các loại hàng hóa, nên đã tạo kẽ hở cho nhiều mặt hàng có dấu hiệu vi phạm tính thuần phong mỹ tục chen chân, xuất hiện tràn lan trên không gian mạng…

Ngoài ra, việc tối ưu các dịch vụ, các trang thương mại điện tử cũng mở rộng quy mô hoạt động, đáp ứng đa dạng mặt hàng cho nhiều đối tượng khách hàng. Với hình thức thông qua việc sử dụng tài khoản cá nhân, những hành vi của người tiêu dùng truy cập vào các sản phẩm quảng cáo, cung cấp thông tin, hình ảnh, giao dịch trên internet, quảng bá trực tuyến và khuyến mại… Từ đó, hàng loạt các quảng cáo có liên quan của các sàn thương mại điện tử dễ dàng phân tích, tiếp cận và hiển thị trên các trang mà người tiêu dùng truy cập.

Trong những trường hợp này, người tiêu dùng trở thành nạn nhân của quảng cáo từ các sàn thương mại điện tử. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp từ các quảng cáo thương mại trực tuyến chưa được bảo vệ hiệu quả và phải gánh chịu rất nhiều phiền toái. Đặc biệt sự phiền toái này càng nghiêm trọng hơn khi hàng hóa hiển thị là những sản phẩm, nội dung, hình ảnh mang tính dung tục, phản cảm như mặt hàng nội y, đồ chơi tình dục, hình ảnh tư thế nhạy cảm, sexy…

Hiện tại cho thấy, các sàn thương mại điện tử (Lazada, shopee, tiki, chotot, Sendo, AeonEshop…) rất đa dạng sản phẩm, nội dung phong phú, nên đã tồn tại những vấn đề nhức nhối trong việc quản lý thông tin xấu, độc, quảng cáo phản cảm, hình ảnh dung tục…

Điển hình, Lazada được xem là trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay, thuộc Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc). Vào trang web của Lazada ta có thể tìm thấy rất nhiều mặt hàng, đa dạng sản phẩm… Người tiêu dung không khó để bắt gặp những sản phẩm được minh họa bởi hình ảnh bộ phận sinh dục, hay lộ các vòng 1, 2, 3 được người mẫu chụp với nhiều tư thế phản cảm, gây khó chịu với khách hàng, để giới thiệu về đồ ngủ sexy, đồ lót xuyên thấu, dầu massage yoni khoái cảm nam nữ, tinh dầu nở ngực, kem làm trắng âm đạo, kem nở mông, kem tẩy lông…

Hình ảnh quảng cáo nội y trên trang web Shopee hay Sendo còn lộ liễu hơn khi người dùng có thể thấy được vòng 1 của người mẫu, hình ảnh quảng cáo lồ lộ những phần nhạy cảm. Bên cạnh đó, khi ứng dụng Sendo được quảng cáo trên nền tảng Facebook thì các hình ảnh quảng cáo phản cảm cũng xuất hiện trên dòng thời gian của người dùng mạng xã hội.

Còn trên Tiki, quảng cáo kem triệt lông, miếng dán nhũ hoa, váy ngủ xuyên thấu… lại để lộ hình ảnh nhạy cảm, dung tục, bộ phận sinh dục của người mẫu. Quảng cáo này cũng xuất hiện trên mạng xã hội…Những hình ảnh này không chỉ phản cảm với người tiêu dung mà còn là văn hóa độc hại đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Để đảm bảo phát triển thương mại điện tử một cách lành mạnh, cạnh tranh và hiệu quả, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế, thì việc kiểm soát những “Nội dung quảng cáo trực tuyến” là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát các thông tin phải đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam – cho rằng, khái niệm “Thuần phong mỹ tục” đã tồn tại trong các văn bản quy phạm pháp luật, đó không chỉ là toàn bộ phong tục truyền thống, đạo đức, lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mà nó còn mang bản sắc đặc thù về văn hóa, gia phong có tính truyền thống lâu đời của tổ tiên, dân tộc.

Hiện tại, đã có các Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, văn hóa, quảng cáo và giao dịch điện tử. Tuy nhiên, pháp luật đã cấm mà còn vi phạm nhiều lần, thì xem xét tính phù hợp để phạt tiền các đối tượng này, nhưng nếu cố tình vi phạm thì phải cắt các hợp đồng hợp tác của nhà cung cấp đó để răn đe. Vì mình đang gìn giữ tính chất đặc thù về giá trị tốt đẹp và bản sắc dân tộc, nhưng họ đã cố tình phá vỡ những khái niệm đó bởi những hình ảnh dung tục, gây tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe của cộng đồng và ảnh hưởng tâm lý xã hội. Ông Hậu nhấn mạnh.

Xu hướng kinh doanh bán hàng trực tuyến của các sàn thương mại điện tử xuất hiện với đa dạng mô hình, hành vi lợi dụng hình thức hoạt động sàn thương mại điện tử nhưng với mục đích buôn lậu và gian lận thương mại là không nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị trong lĩnh vực công nghệ số đã vi phạm pháp luật việc quảng cáo và sử dụng những hình ảnh phản cảm, dung tục để câu khách, bán hàng.

Trước thực trạng này, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử với nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng trong quản lý thị trường về thương mại điện tử.

Ngoài ra, những hoạt động về quảng cáo thương mại trực tuyến không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, Luật An ninh mạng 2018, mà còn chịu sự điều chỉnh của những luật chuyên ngành có liên quan.

Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo 2012 đã có quy định về những hành vi quảng cáo bị cấm, trong đó vi phạm thông tin về “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” là vấn đề cần được quan tâm.

Thiết nghĩ, ngoài các mẫu quảng cáo với tính độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, muốn được người dùng tiếp nhận, thì phải tạo nên sự gần gũi các giá trị văn hóa cộng đồng, phù hợp với nhận thức của giới trẻ và sự phát triển kinh tế số của quốc gia. Để hạn chế mặt tiêu cực đang tồn tại trên các trang thương mại điện tử, các cơ quan quản lý cũng cần gia tăng kiểm soát và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Nguồn: congthuong.vn