Thanh Hoá: Chủ động ứng dụng thương mại điện tử thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Theo Sở Công Thương Thanh Hoá, hiện nay hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng Internet được đầu tư đồng bộ, cùng với nhiều giải pháp đào tạo đã giúp các doanh nghiệp (DN) chủ động ứng dụng công nghệ số, xây dựng các kênh thương mại điện tử để quản lý, cung ứng sản phẩm một cách dễ dàng qua không gian mạng.

Phương thức giao dịch phổ biến

Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh trong ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như kết nối cung cầu. Hiện nay, hạ tầng viễn thông của Thanh Hóa bảo đảm triển khai tốt các ứng dụng về thông tin điện tử. Đến nay, các tiêu chuẩn trao đổi, thu thập dữ liệu được ứng dụng trong hầu hết các giao dịch TMĐT.

Theo Sở Công Thương, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã sử dụng Internet, thư điện tử… trong giao dịch với khách hàng. Trong đó, có hơn 200 DN đăng ký website thực hiện các dịch vụ TMĐT; có 35% DN tham gia cung ứng các sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ và thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân trên Internet.

Cùng với đưa sản phẩm của mình quảng bá, tiêu thụ trên các sàn TMĐT, nhiều DN đã lập website có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến thay cho email truyền thống hỗ trợ bán hàng; sử dụng ứng dụng tem điện tử và ứng dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Một số DN có bộ phận maketing, sale thông thạo ngoại ngữ đã bắt đầu tìm hiểu, xây dựng các kênh quảng bá sản phẩm trên các trang TMĐT quốc tế để mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với đối tác nước ngoài.

Đơn cử như Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt, Khu công nghiệp Hoàng Long, TP. Thanh Hóa tham gia hoạt động trên thị trường xuất khẩu nông sản được 5 năm. Vào thời kỳ DN đang bắt đầu phát triển ổn định thì dịch Covid-19 xảy ra trong hơn 2 năm vừa qua đã tác động nhiều đến hoạt động gặp gỡ, giao dịch của đơn vị với đối tác.

“Trước tình hình đó, công ty đã thành lập một bộ phận truyền thông phụ trách sản xuất các video, hình ảnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh mạng xã hội. Đồng thời, đầu tư quảng cáo trên các trang TMĐT uy tín như Alibaba, Amazon…” – đại diện công ty cho biết.

Bên cạnh đó, nhờ chủ động khai thác các tiện ích của TMĐT phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của DN, trong 2 năm qua, doanh thu xuất khẩu của công ty vẫn tăng trưởng đều 20% so với các năm trước. Đặc biệt trong năm 2022 này, công ty đã có đủ đơn hàng sản xuất cho cả năm với tăng trưởng gấp 1,5 lần năm 2021.

“Hiện nay, TMĐT trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực. Đặc biệt hiện nay hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng Internet được đầu tư đồng bộ, cùng với nhiều giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các DN chủ động ứng dụng công nghệ số, xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến để quản lý, cung ứng sản phẩm một cách dễ dàng qua không gian mạng”, đại diện Sở Công Thương tỉnh cho biết.

Đánh giá về tiềm năng và lợi thế trong lĩnh vực TMĐT của Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ tỉnh uỷ Thanh Hoá mới đây, Thanh Hóa là địa phương có vị trí địa lý chính trị, kinh tế, quốc phòng quan trọng của cả nước cũng như khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, bên cạnh việc chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, Thanh Hóa cần chú trọng hơn đến việc phát triển lĩnh vực logistics nhằm phát huy tiềm năng của tỉnh và thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Thanh Hoá là tỉnh có dân số đông với gần 3,7 triệu dân, nên tỉnh cần chú trọng khai thác, phát triển thị trường nội địa bằng các hình thức như thương mại điện tử, thương mại truyền thống.

“Nếu tỉnh tập trung khai thác các hình thức này cùng với phát triển trung tâm logistics sẽ rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

55% dân số sẽ tham gia mua sắm trực tuyến

Tuy đã đạt được những phát triển bước đầu, song theo Sở Công Thương tỉnh, hiện nay, do DN trên địa bàn tỉnh đa số là DN nhỏ và vừa, việc ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh vẫn chưa đạt kỳ vọng; hoạt động thanh toán trực tuyến chưa phát triển; nhiều DN đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức giới thiệu DN, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán; các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT, ứng dụng di động còn thấp…

Để thúc đẩy TMĐT phát triển theo đúng định hướng, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025, có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 100% DN có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của DN. 80% website TMĐT của DN có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. 50% DN nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT.

Nhiều giải pháp về đầu tư hạ tầng, công tác quản lý, về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt… cũng được đề xuất nhằm đưa TMĐT trở thành một hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhằm nâng cao nhận thức và hiệu quả trong việc phát triển TMĐT, Sở Công Thương Thanh Hóa đã tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc các Sở, ban ngành về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TMĐT.

Sở Công thương Thanh Hóa cũng phối hợp với các đơn vị tích cực phổ biến, tuyên truyền và đào tạo nguồn nhân lực TMĐT cho đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hàng năm mở các lớp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng như tin học văn phòng, quản trị mạng, các nghiệp vụ chuyên ngành TMĐT…

Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT; xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá marketing hiệu quả trên website.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.

Sở Công Thương Thanh Hóa cũng thường xuyên liên hệ với Bộ Công Thương tiếp nhận thông tin, các văn bản pháp quy để phổ biến, triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân thông qua trang web của ngành. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và các doanh nghiệp về TMĐT.

TMĐT được xem là một công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa, cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Công Thương Thanh Hóa mgng muốn có được sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: congthuong.vn