Thực phẩm Việt Nam ở đâu trên thị trường RCEP?
Dù là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh nhưng thị phần nông sản, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường RCEP còn rất nhỏ bé.
Thị trường RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực) với quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng cho mặt hàng thực phẩm của Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiến xa trên thị trường này, ngày 8/6 Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các thị trường thành viên RCEP tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, tại phiên tư vấn, ông Phạm Thế Cường – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, bà Trần Lê Dung – Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, bà Nguyễn Thu Hường – đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ thông tin tổng quan thị trường nông sản, thực phẩm, vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản sang các thị trường này.
Bên cạnh đó, ông Tiền Triệu Cương – Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc cũng sẽ chia sẻ một số điều cần biết khi kinh doanh một số mặt hàng thực phẩm với thị trường Trung Quốc.
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường RCEP nằm trong chuỗi “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức trong năm 2022 với tổng cộng 30 phiên tư vấn.
Các phiên tư vấn là hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất – nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do Covid-19 và đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu và mở rộng thị trường, nhất là các loại mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản… Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và Trung Quốc đã phục hồi tương đối nhanh (so với các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ), ý nghĩa của RCEP đối với xuất khẩu của Việt Nam càng quan trọng hơn.
Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.
Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.
Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu nói chung, thực phẩm nói riêng của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…
Nguồn: congthuong.vn