Tỉnh Thanh Hóa: Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại miền núi
Để phát triển thương mại khu vực miền núi, ven biển hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm phát triển các loại hình thương mại.
Để phát triển thương mại khu vực miền núi, ven biển hiệu quả, Thanh Hóa đang thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp nhằm phát triển các loại hình thương mại gắn với quy mô, trình độ sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, khu vực miền núi của tỉnh hiện có hơn 100 chợ, hàng nghìn cửa hàng tự chọn, bán lẻ. Nhiều địa phương đã tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Từ đó, người dân có thêm nhiều sự lựa chọn từ các hình thức kinh doanh hàng hóa, như siêu thị, chợ, cửa hàng tự chọn, cửa hàng bán lẻ. Giá hàng hóa trên địa bàn ổn định, không có tình trạng khan hiếm hàng, ép giá, kể cả dịp lễ, Tết, việc mua sắm hàng hóa của người dân khá thuận lợi.
Điển hình, năm 2014, Cửa khẩu Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa) được nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Từ đó, hoạt động giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc vùng biên giới hai huyện Quan Sơn – Viêng Xai (Lào) tại chợ Cửa khẩu quốc tế Na Mèo cũng ngày càng sầm uất, hàng hóa phong phú, thu hút nhiều người đến giao thương buôn bán. Trung bình hàng năm có từ 8.000 – 10.000 lượt người xuất nhập cảnh qua lại trao đổi hàng hóa.
Thời gian qua, huyện Quan Sơn đã kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ Cửa khẩu Na Mèo và một số hạng mục để đạt tiêu chuẩn chợ hạng III, với diện tích 7.000m2, quy mô khoảng 200 điểm kinh doanh. Chợ Cửa khẩu Na Mèo không những khẳng định vị thế là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện, mà còn là vị trí quan trọng về an ninh – quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa nước bạn Lào và các nước trong khu vực. Ngoài ra, lấy khu vực cửa khẩu Na Mèo làm trung tâm, từ đó, sẽ phát triển sang các khu vực lân cận, hình thành các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại, đô thị, kho trung chuyển hàng hóa… tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế cửa khẩu với các huyện trong tỉnh.
Bên cạnh đó, khu vực ven biển của tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung khai thác, chế biến hải sản; phát triển du lịch biển; xây dựng các khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế hàng hải… hệ thống thương mại cũng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.
Theo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, giai đoạn 2021 – 2025 của tỉnh Thanh Hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân 20%năm. Đến năm 2025, xây dựng được 11 mô hình điểm bán hàng nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có chất lượng cao tại 11 huyện miền núi. Đồng thời, phát triển thương nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tại các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Phát triển hệ thống phân phối bán lẻ; cung ứng dịch vụ theo chuỗi, bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hóa trên thị trường. Đến năm 2025, 100% cán bộ quản lý thương mại của các địa phương khu vực miền núi, ven biển của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ.
Nguồn: congthuong.vn