Xuất khẩu sầu riêng: Làm sao để tránh vết xe đổ?
Làm thế nào để xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam không rơi vào tình trạng phải kiểm tra đặc biệt như tại Nhật Bản là câu hỏi cần sớm có lời đáp.
Những tiếng chuông cảnh tỉnh
Phát biểu tại Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức ngày 22/7, ông Tạ Đức Minh – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho hay: Tiêu dùng sầu riêng đang dần phổ biến tại Nhật Bản. Trong số 4 quốc gia xuất khẩu sầu riêng vào Nhật Bản, Việt Nam và Thái Lan lần lượt đứng đầu. Từ năm 2017 tới năm 2020 tỷ trọng sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản đã tăng nhanh chóng, từ 2% lên 49%, với sản lượng 300 tấn.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản lượng sầu riêng đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản gấp 10 lần so với sầu riêng tươi”, ông Tạ Đức Minh nói.
Cũng chính bởi số lượng sầu riêng nhập khẩu vào Nhật Bản tăng nhanh chóng dẫn tới tâm lý chủ quan của nhà cung ứng. Năm 2021, Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm dịch lên 100% với tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, nguyên do đã có trường hợp vi phạm tồn dư chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm.
“Năm 2021 tại thị trường Nhật Bản có 5 vụ sầu riêng Việt Nam vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó 3 vụ liên quan đến sầu riêng tươi, 2 vụ sầu riêng đông lạnh”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay.
Và, khi bị nâng mức độ kiểm dịch dẫn tới thời gia lưu kho kéo dài gây tổn thất chi phí cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Quan trọng hơn, dẫn đến rủi ro về chất lượng sản phẩm và khách hàng không còn ưa chuộng.
Tại Australia, sầu riêng đông lạnh Việt Nam đã bắt đầu có thương hiệu và được ưa chuộng trên thị trường. Thế nhưng, ngay khi có thương hiệu, nhà cung ứng sầu riêng tại Việt Nam lại có hành động cạnh tranh không lành mạnh. Ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia chỉ ra: Doanh nghiệp trong nước cung ứng sản phẩm không có chất lượng tốt nhất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.
“Tuy nhiên, Australia là thị trường cao cấp và khó tính có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng tốt, nếu cạnh tranh về giá bằng mọi cách sẽ giảm giá trị thương hiệu”, ông Nguyễn Phú Hoà nhấn mạnh.
Sầu riêng Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt mới đây Trung Quốc và Việt Nam đã ký Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân.
Theo số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, 10 năm qua, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc tăng trưởng bình quân 16%/năm, đứng thứ 3 trên thế giới. Đáng nói, sản lượng sầu riêng tiêu thụ tại Trung Quốc chủ yếu được nhập khẩu, năm 2021 lên tới 821,5 nghìn tấn.
“Được nhập khẩu chính ngạch, lại có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi là điều kiện tuyệt vời cho sầu riêng Việt Nam khai thác thị trường khổng lồ này”, ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ.
Cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu
Dù cơ hội thị trường đã được nhận rõ, tuy nhiên đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đều chung khuyến cáo: Doanh nghiệp cung ứng sầu riêng trong nước buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, cạnh tranh bằng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ông Tạ Đức Minh nhấn mạnh: Sầu riêng cần được quan tâm đến quy hoạch vùng trồng đảm bảo đủ nguồn hàng cho xuất khẩu. Khâu bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển cũng cần được chú trọng nhằm giữ được độ tươi ngon nhất khi đến tay người tiêu dùng.
Riêng người tiêu dùng Nhật Bản khá nhạy cảm với sự thay đổi về giá cả, do vậy đây cũng là yếu tố cần lưu ý khi xuất khẩu hàng hoá nói chung, sầu riêng nói riêng tới thị trường này.
Ông Nguyễn Phú Hoà cũng khuyến cáo: Doanh nghiệp nên cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, không nên chỉ cạnh tranh về giá. Đặc biệt cần xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam như vậy mới có thể xuất khẩu bền vững.
“Thương vụ Việt Nam tại Australia cam kết, sẽ hỗ trợ truyền thông tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này, Australia còn nhiều tiềm năng cho trái sầu riêng”, đại diện thương vụ Việt Nam tại Australia nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm thực tế đưa sầu riêng nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung xuất khẩu đi khắp thế giới, bà Ngô Tường Vy – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu bày tỏ: Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu vào các thị trường khó tính không hề đơn giản, đó là cộng hưởng công sức của doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến thương mại… Việc đàm phán để đưa loại trái cây này vào các thị trường đã khó, thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân để sử dụng trái cây Việt Nam khó hơn gấp nhiều lần. Do vậy, phải trân trọng kết quả đã đạt được.
Với Trung Quốc, đây không còn là thị trường dễ tính, thậm chí đứng trong top đầu những thị trường khó tính. Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về tiêu chuẩn với hàng hoá nhập khẩu, việc đáp ứng là bắt buộc. “Điều này cần sự chung tay của nhiều bên trong đó quan trọng nhất là nhà trồng trọt và thương lái để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu”, bà Ngô Tường Vy cho hay.
Tại sự kiện, ông Lưu Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại hàng nông sản Kiệt Thái Hồ Nam (Trung Quốc) đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể với trái sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc qua doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam chú ý trong quá trình trồng, chế biến sầu riêng thực hiện và đáp ứng theo yêu cầu của hải quan Trung Quốc.
Tiếp đến, trái sầu riêng cần được thu hái ở độ chín 80-85% để thuận tiện cho vận chuyển. Doanh nghiệp tiêu chuẩn hoá và phân loại sản phẩm theo phẩm cấp, trọng lượng. Xây dựng chuỗi hậu cần lạnh để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Do trái sầu riêng có tính thời vụ cao, đề nghị cơ quan hải quan 2 nước nâng cao hiệu quả công tác để đảm bảo thời gian tốt nhất cho thông quan hàng hoá.
Nguồn: congthuong.vn