Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài: Đừng để mất “chìa khóa vàng”
Hiện nay, việc khai thác và quản lý sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tại nước ngoài đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, được bảo hộ ở thị trường nước ngoài đã khó, nhưng duy trì và phát huy cũng không hề dễ dàng.
Nhiều gian truân
Bảo hộ CDĐL như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Theo đó, trên thế giới, hiện có khoảng hơn 10.000 CDĐL được bảo hộ, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD.
Đơn cử, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và các nước ASEAN được chính thức bảo hộ tên gọi xuất xứ tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu – EU (gồm 28 nước thành viên) và cũng là CDĐL đầu tiên của Việt Nam được công nhận và bảo hộ tại EU. Theo Bộ Công Thương, kể từ khi được EU chấp nhận bảo hộ CDĐL, lượng nước mắm Phú Quốc xuất khẩu vào thị trường này đã tăng đáng kể, giá bán của sản phẩm cũng tăng từ 30-50% tùy từng loại.
Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ – cho biết, việc được cấp CDĐL tại thị trường nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường “khó tính” có ý nghĩa rất lớn đối với việc xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Ngoài tác dụng bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tránh bị “đánh cắp” khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang CDĐL thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân ở các thị trường đó rất ưa chuộng vì họ hiểu rằng, các sản phẩm này đã được bảo đảm chất lượng. Do vậy, việc đăng ký CDĐL tại nước ngoài là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa sản phẩm của Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, để đăng ký và được cấp CDĐL tại nước ngoài là một quá trình dài, tốn nhiều công sức của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, nông dân. Đơn cử, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ CDĐL tại Nhật Bản, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) mới chính thức cấp Bằng bảo hộ CDĐL đối với thanh long Bình Thuận vào tháng 10/2021. Còn trước đó, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) phải mất tới gần 2 năm để được cấp Bằng CDĐL tại Nhật Bản.
“Dù xuất phát cùng thời điểm nhưng thời gian “cán đích” của các CDĐL trên lại không giống nhau. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau song nhìn chung, việc đăng ký bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm của Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng và các thị trường quốc tế nói chung thường gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của họ rất cao và chặt chẽ” – ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.
Thách thức sau bảo hộ
Theo ông Đinh Hữu Phí, việc thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn hay các sản phẩm nông sản khác được đăng ký bảo hộ CDĐL thành công tại các quốc gia, mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm đến với thị trường. Đã và sẽ cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp, bộ, ngành, để các sản phẩm này tiếp tục giữ vững và mở rộng hơn nữa chỗ đứng của mình tại các thị trường nước ngoài.
“Các hoạt động quản lý CDĐL sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành, đặc biệt các địa phương” – ông Đinh Hữu Phí nói, đồng thời cho hay, khó khăn lớn nhất phải kể đến, là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý CDĐL. Tiếp đó, nhận thức của người nông dân, nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát. Cuối cùng, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước và các hội sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thông tin đầy đủ, xuyên suốt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời người nông dân về đảm bảo chất lượng và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Ở góc độ địa phương, ông Văn Công Thới – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận – chia sẻ, các hoạt động quản lý CDĐL thanh long Bình Thuận sau bảo hộ đang là “bài toán” khó với các cấp, ngành, đặc biệt của tỉnh Bình Thuận. Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi, không bảo quản được lâu nên việc tiêu thụ hiện nay gặp nhiều khó khăn.
“Mặc dù 85% sản lượng thanh long dành cho xuất khẩu, tuy nhiên, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 2 – 3%), số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc hoặc bán cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh và các doanh nghiệp này trực tiếp xuất khẩu” – ông Văn Công Thới nêu thực trạng, đồng thời thông tin, hiện tại, mới có 5 đơn vị của Bình Thuận đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu.
Nguồn: congthuong.vn