Giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới

Ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Nhiệm vụ thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030.

Cà phê Việt Nam ghi dấu ấn

Tại Đại hội X – Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam diễn ra sáng ngày 28/12, ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam thông tin, nhiệm kỳ IX của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (2017-2020) diễn ra trong điều kiện kinh tế thế giới hết sức khó khăn. Đặc biệt, dịch Covid-19 với sự lây lan của biến thể Delta và mới đây là Omicron đã khiến cả thế giới phải gồng mình chống trọi với dịch bệnh. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn trên thế giới.

Ở Việt Nam, lũ chồng lũ đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con, trong đó có hoạt động sản xuất và chế biến cà phê. Giá cà phê giảm liên tục từ năm 2016 đến cuối năm 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và thu nhập của người nông dân. Nhiều doanh nghiệp do giá giảm sâu dẫn đến doanh thu giảm, thua lỗ, người nông dân do giá xuống đã giảm sự đầu tư chăm sóc vườn cây. Thời điểm này, giá cà phê xuất khẩu có thời điểm xuống thấp nhất với dưới 1.200 USD/tấn, khiến cà phê nhân xô ở các vùng nguyen liệu có thời điểm xuống dưới 30.000 đồng/kg.

Sang đến năm 2021, giá cà phê mới bắt đầu phục hồi trở lại và tăng mạnh vào những tháng cuối năm nay. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn cung từ Brazil, Việt Nam, Colombia. Tồn kho trên hai sàn New York và London liên tục giảm mạnh; thiếu container, giá cước vận tải tăng chóng mặt…

Do tác động của dịch Covid-19 lần thứ 4 nên Việt Nam đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước khiến xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm lớn về khối lượng. Trong khi đó, kim ngạch tăng so với năm trước do giá xuất khẩu tăng và tăng cường xuất khẩu cà phê rang xay và hoà tan, cộng với việc Việt Nam đã ký và triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Thời điểm này, giá cà phê thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, giá cà phê trong nước có thời điểm lên mức cao nhất là 43.000 đồng/kg. Cả vụ 2020/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 2,8 tỷ USD. Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 3 tỷ USD. Đặc biệt, cà phê rang xay và hoà tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần, tạo ra nhiều cơ hội cũng như triển vọng ngành cà phê khi Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế thông qua các FTA đã ký kết. EU là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất, chiếm 40% tổng lượng và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là Đông Nam Á với 13%.

Đáng chú ý, tại thị trường Trung Quốc, cà phê Việt Nam đã chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu cà phê vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc bao gồm cả cà phê nhân, rang xay, hoà tan, uống liền… Việc thúc đẩy hợp tác giữa Hiệp hội cà phê châu Á (ACA) và VICOFA sẽ hỗ trợ thúc đẩy B2B ở cả Việt Nam và xuất nhập khẩu, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại giữa hai quốc gia.

Về chế biến cà phê, hiện nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân với tổng công suất thiết kế 1,5 triệu tấn; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở sản xuất cà phê hoà tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm.

Bên cạnh xuất khẩu, những năm gần đây, sự phát triển của các hàng quán cà phê, hệ thống cung ứng cà phê, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, tiêu thụ cà phê trong nước tăng nhanh (2/3 là cà phê bột rang xay, 1/3 là cà phê hoà tan). Hiện Việt Nam có khoảng 30.000 quán cà phê. Mức tiêu thụ ở nội địa đạt khoảng 10% tổng sản lượng cà phê.

Mục tiêu lớn cho nhiệm kỳ tới

“Thời gian tới, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là giữ vững vị trí nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Nhiệm vụ thứ hai là tăng kim ngạch xuất khẩu lên 5-6 tỷ USD vào năm 2030 với phương châm “Nâng suất, chất lượng, giá trị gia tăng” – ông Nguyễn Nam Hải khẳng định.

Đánh giá cao những kết quả mà ngành cà phê đã đạt được, trong đó có vai trò đặc biệt của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng thẳng thắn bày tỏ những hạn chế của ngành hàng này như chế biến sâu còn hạn chế, sức cạnh tranh chưa cao.

Để tiếp tục phát triển ngành hàng cà phê, Thứ trưởng đề nghị Hiệp hội Cà phê Ca cao phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương triển khai hiệu quả nghị quyết đại hội lần thứ X. Trong đó phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung rà soát quy mô sản xuất cà phê hiệu quả, bền vững, phát triển 1 số vùng cà phê đặc sản tại Tây Nguyên, Tây Bắc. Bên cạnh đó, phối hợp chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp cho tái canh cà phê.

Các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần đẩy mạnh cơ giới hoá chăm sóc và chế biến cà phê; nghiên cứu các dây chuyền chế biến cà phê, tham gia việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên, Tây Bắc. Phát triển sản xuất an toàn; khuyến khích sản xuất cà phê có chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Xây dựng chuỗi khép kín từ trồng trọt đến sản xuất, xuất khẩu cà phê.

Ngoài ra, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu mặt hàng cà phê. Khuyến khích đầu tư các dây chuyền cà phê hiện đại, xây dựng được chuỗi. Đặc biệt, tiếp tục xây dựng, quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nguồn: congthuong.vn