Hà Nội có thêm 2 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP

Chiều ngày 29/12, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp UBND huyện Hoài Đức và quận Cầu Giấy tổ chức khai trương 2 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” trên địa bàn 2 quận, huyện này.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Hoài Đức đặt tại Hợp tác xã sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (thôn 2, xã Cát Quế). Tại đây, giới thiệu các sản phẩm OCOP như sản phẩm bưởi diễn Quế Dương; bún, miến Minh Dương, miến Trung Kiên, Gừng Trí Đức, Gia vị Hùng Thắng và các sản phẩm OCOP, tiềm năng OCOP khác của huyện.

Đại diện huyện Hoài Đức cho biết, trên địa bàn có nhiều làng nghề được hình thành và phát triển từ lâu, sản phẩm làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường như: sản phẩm đồ thờ, các sản phẩm chế biến nông sản như: miến, bún, phở khô, tinh bột, bánh đa nem, bánh, kẹo các loại.

Huyện cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn, cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, có bốn sản phẩm được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể gồm: nhãn chín muộn Hoài Đức; phật thủ Đắc Sở; bưởi đường Quế Dương và rau an toàn Tiền Lệ.

Để phát huy những giá trị tiềm năng của sản phẩm nông nghiệp, làng nghề trên địa bàn, huyện Hoài Đức đã đẩy mạnh triển khai chương trình OCOP, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của các địa phương. Giai đoạn 2019-2021 huyện đã tuyên truyền, vận động các chủ thể lập hồ sơ đề nghị Thành phố đánh giá, phân loại được 68 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Cầu Giấy được đặt tại chợ số AHF (67 Khúc Thừa Dụ, phường Dịch Vọng), quảng bá nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Chủ tịch Công ty CP AHF – cho biết, đơn vị đang tập trung phát triển các chuỗi siêu thị, chợ trên cả hai hình thức bán trực tiếp và trực tuyến, chuyên cung ứng các mặt hàng đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP để tiêu thụ cho bà con nông dân. Kế hoạch năm 2022, AHF sẽ phát triển thêm khoảng 10 cửa hàng để đem các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trong cả nước về phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, chương trình OCOP có ý nghĩa lớn trong việc phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống, có tiềm năng phát triển tại khu vực nông thôn, khơi dậy tiềm năng của địa phương, tăng thu nhập cho nhân dân tham gia. Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã để giới thiệu, quảng bá hơn 1.600 sản phẩm OCOP của Hà Nội đã được đánh giá, phân hạng.

Nguồn: congthuong.vn