Năm 2021, không có lô cá tra bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh
Năm 2021, số lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo tại các thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh vi phạm chủ yếu năm 2020 là Fipronil, Chlorate… thì năm 2021 không còn bị cảnh báo.
Ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTTN) – cho biết, trong năm 2021, có 23 lô hàng cá tra bị phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu (Trung Quốc 1 lô; Nga 9 lô; Brazil 12 lô; EU 1 lô), trong đó 13 lô cảnh báo về chỉ tiêu vi sinh (chiếm 56,6%), 5 lô cảnh báo về chỉ tiêu chất lượng (tỷ lệ mạ băng, phụ gia) (chiếm 21,7%), 5 lô cảnh báo về bao bì ghi nhãn (chiếm 21,7%).
Đặc biệt, không có lô hàng bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bởi các thị trường nhập khẩu có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận bởi Cục trước khi xuất khẩu; các chỉ tiêu vi phạm chủ yếu là vi sinh vật như TPC, Coliforms, E.Coli; phụ gia Phosphat. “Số lô hàng bị cảnh báo tại các thị trường tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên, các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh vi phạm chủ yếu năm 2020 là Fipronil, Chlorate,… thì năm 2021 không còn bị cảnh báo”, ông Lê Bá Anh cho biết thêm.
Cũng theo ông Lê Bá Anh, đến nay đã có 30 lô cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo các chỉ tiêu liên quan tới Covid-19. Điều tra nguyên nhân cho thấy xuất phát từ khâu bao gói, đưa hàng lên container. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ với công nhân xếp hàng lên container là vấn đề cần được lưu ý trong thời gian tới để đảm bảo thỏa thuận kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc và không tạo ra bất lợi quá lớn đối với các doanh nghiệp.
Bởi lẽ, khi phát hiện 1 lô có dấu vết của Covid-19 thì doanh nghiệp sẽ bị tạm ngừng thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc 1 tuần. Còn đối với 2 – 3 lô trở lên thì 4 tuần, thậm chí có doanh nghiệp bị đến 6 tuần. Điều này đã tạo nên thiệt hại đáng kể đối với các doanh nghiệp.
Về các nhiệm vụ trong năm 2022, ông Lê Bá Anh cho biết, việc tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường là hoạt động thường xuyên của Cục và công tác trọng tâm trong năm nay liên quan thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil. Trong đó thị trường Trung Quốc tập trung xử lý các vấn đề liên quan tới Covid-19, còn thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đăng ký mở rộng danh sách doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào đây. “Hiện nay, Cục đã hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) công nhận bổ sung sản phẩm/nhóm sản phẩm cá tra giá trị gia tăng (đã qua xử lý nhiệt, không ăn liền, đông lạnh); gửi đề nghị công nhận thêm 6 doanh nghiệp chế biến cá tra đăng ký xuất khẩu vào Hoa Kỳ”, ông Lê Bá Anh cho hay.
Đối với thị trường Brazil, ông Lê Bá Anh cho biết, để tháo gỡ rào cản kỹ thuật cho sản phẩm cá tra, Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ đàm phán thương mại nông sản với Brazil. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tham mưu Tổ đàm phán trình Bộ NN&PTNT một số văn bản gửi phía Brazil cũng như tham gia họp trực tuyến với phía bạn để đàm phán các nội dung vướng mắc kỹ thuật giữa hai bên. Tuy nhiên, đến nay, phía Brazil vẫn khẳng định không cho phép sử dụng phụ gia thực phẩm (phosphate và các chất tương tự) trong sản xuất cá đông lạnh (chỉ cho phép sử dụng phosphates bên ngoài lớp mạ băng) và tiếp tục áp dụng quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm đối với cá đông lạnh, trong đó quy định mức giới hạn về chỉ số pH, tỷ lệ ẩm/protein, hàm lượng muối Natri, Kali trong sản phẩm cá đông lạnh. Bên cạnh đó, Brazil vẫn tiếp tục quy định phải đăng ký sản phẩm để cơ quan thẩm quyền Brazil phê duyệt trước khi xuất khẩu sang Brazil.
Bên cạnh việc tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường, Cục sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Đồng thời, liên tục cập nhật, phổ biến về quy định/yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi.
Cục cũng đề nghị các chính quyền địa phương cần triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đã được phê duyệt của Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi (bao gồm cá tra) theo địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở nuôi, sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất, kháng sinh. Đối với các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu.
Nguồn: congthuong.vn