Tạo hệ sinh thái Thương hiệu quốc gia

Liên kết mạng lưới doanh nghiệp, chuyên gia, sản phẩm Thương hiệu quốc gia thông qua một hệ sinh thái là điều cần làm giúp tăng giá trị và lan toả hơn nữa Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Mối quan hệ tương hỗ

Tham dự Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022, các chuyên gia về thương hiệu đều chung một quan điểm, Thương hiệu quốc gia (THQG) là tổng hoà của nhiều yếu tố, từ chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội…Trong đó không thể thiếu sự đóng góp của thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.

PGS. Nguyễn Quốc Thịnh- Chuyên gia Thương hiệu, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình THQG Việt Nam, bày tỏ: Muốn có THQG phải có thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mạnh. Ở chiều ngược lại, THQG là bệ đỡ cho thương hiệu của doanh nghiệp, giúp tạo dựng hình ảnh ban đầu và lòng tin với người tiêu dùng. Doanh nghiệp dù có quy mô như thế nào cũng nên xây dựng thương hiệu và tận dụng hiệu quả THQG.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình THQG Việt Nam đã làm được nhiều việc, nhất là trong thực hiện 3 mục tiêu quan trọng: Tạo dựng hình ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu sản phẩm và lựa chọn sản phẩm đủ tiêu chí công nhận đạt THQG.

Trong mối tương quan giữa văn hoá doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu, vị chuyên gia này cũng, cho hay: Văn hoá doanh nghiệp, văn hoá kinh doanh là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển và xây dựng thương hiệu. Hiện đang có cách hiểu không đúng về văn hoá doanh nghiệp khi xây dựng yếu tố này qua hệ thống các quy định. Đích đến quan trọng nhất của văn hoá doanh nghiệp là tạo môi trường làm việc nhân văn và thúc đẩy lao động sáng tạo. Từ đó lan toả giá trị đó ra bên ngoài thông qua sản phẩm, ứng xử của doanh nghiệp với cộng đồng.

Theo đó, doanh nghiệp nỗ lực hoàn thiện sản phẩm, phát triển các điểm tiếp xúc thương hiệu (hệ thống phân phối là một phần quan trọng) và cách thức ứng xử với chính người lao động và cộng đồng là những yếu tố làm nên văn hoá doanh nghiệp, thương hiệu của doanh nghiệp.

Từ câu chuyện thực tế và thành công của doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, ông Nguyễn Xuân Phú- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, chia sẻ: Thương hiệu là tổ hợp rất nhiều hoạt động của doanh nghiệp, từ chất lượng sản phẩm, hậu mãi, các chương trình ưu đãi… Xây dựng được thương hiệu sản phẩm đã khó, giữ gìn và phát triển thương hiệu càng khó, đòi hỏi doanh nghiệp phải phân tích được thế mạnh, khai thác và không ngừng hoàn thiện các thế mạnh của mình.

“THQG cũng tương tự như thương hiệu sản phẩm. Xây dựng thương hiệu là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Doanh nghiệp hay quốc gia phải có trách nhiệm gia tăng thêm lợi ích và tăng niềm tin cho người dùng mới giữ vững được thương hiệu”, đại diện Tập đoàn Sunhouse cho biết thêm.

Khẳng định THQG đã đồng hành và giúp doanh nghiệp tiến xa và sâu hơn nữa trên thị trường, ông Đinh Hữu Thạnh- Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bee Logistics, nói: Năm 2004-2005, doanh nghiệp tiến ra thị trường nước ngoài rất khó, gần 10 năm sau (năm 2013-2014) khi giới thiệu đến từ Việt Nam, doanh nghiệp được đối tác chào đón. “Điều này chứng tỏ Chương trình THQG Việt Nam đã rất thành công trong việc cải thiện hình ảnh quốc gia và tạo xung lực cho doanh nghiệp tiến ra thị trường thế giới”, Giám đốc điều hành Bee Logistics nhận định.

Có sản phẩm được công nhận THQG, theo ông Đinh Hữu Thạnh, là sự động viên lớn đối với doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài, kết nối phát triển triển thương hiệu ra thị trường nước ngoài.

Liên kết mạng lưới thương hiệu quốc gia

Giá trị và vai trò của THQG đã được khẳng định, tuy nhiên để tăng sức lan toả và tăng sự hiện diện của THQG Việt Nam trên trường thế giới, ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng ban, Ban Thư ký Chương trình THQG Việt Nam, cho rằng: Cần kéo gần các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG, doanh nghiệp nói chung và các chuyên gia trong một môi trường chung. Có thể là một hệ sinh thái để tạo sự kết nối, giao lưu và lan toả THQG.

“Chúng tôi cũng nảy ra ý tưởng phát động phong trào biến kiều bào ở nước ngoài thành sứ giả THQG, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm ở nước ngoài. Hy vọng kỳ diễn đàn năm tới, chúng ta sẽ cùng nhau trao sứ giả thương hiệu cho cá nhân xứng đáng ở từng thị trường”, ông Vũ Bá Phú nói.

Cũng theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, diễn đàn năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Việc này hết sức có ý nghĩa khi tranh thủ được sự quan tâm của bà con kiều bào, lực lượng này vì lòng yêu nước sẵn sàng trở thành sứ giả thương hiệu cho Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hoàng Mạnh Huê- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu cũng đề xuất các giải pháp quảng bá thương hiệu Việt Nam và đưa hàng hoá Việt ra thị trường nước ngoài.

Theo đó, có thể quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam qua các trung tâm hàng hoá của người Việt tại châu Âu; xuất khẩu hàng Việt thông qua thương hiệu mạnh của kiều bào; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thương hiệu hàng hoá thông qua hoạt động văn hoá, thể thao, tâm linh của cộng đồng người Việt tại nước sở tại. Đó sẽ là những hoạt động tốt và là bệ phóng đưa thương hiệu Việt Nam tới với người tiêu dùng nước ngoài.

Ở chiều ngược lại, với kinh nghiệm thực tế, bà con kiều bào có thể cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, nhất là nhu cầu tiêu dùng, phong tục tập quán của nước sở tại cho doanh nghiệp trong nước.

Nguồn: congthuong.vn